Xử lý trường hợp tên doanh nghiệp vi phạm quy định về sở hữu trí tuệ
Tiến sỹ, Luật sư Vũ Thái Hà - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội - trả lời:
Theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 43/2010/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, hành vi sử dụng nhãn hiệu của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu nhãn hiệu đó, sẽ bị coi là vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ. Tổ chức, cá nhân có tên doanh nghiệp vi phạm phải chịu trách nhiệm và buộc phải đăng ký đổi tên doanh nghiệp.
Để xác định tên doanh nghiệp kể trên có vi phạm quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ hay không, ông Mai Văn Tuấn phải gửi đơn đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học công nghệ, yêu cầu giám định. Sau khi có văn bản khẳng định tên doanh nghiệp vi phạm quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ từ Cục Sở hữu trí tuệ, ông có quyền đề nghị cơ quan đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp có tên xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải thay đổi tên gọi cho phù hợp. Kèm theo công văn đề nghị, công ty của ông có nghĩa vụ cung cấp cho cơ quan đăng ký kinh doanh các tài liệu sau: bản sao hợp lệ văn bản kết luận của Cục Sở hữu trí tuệ về việc sử dụng tên doanh nghiệp là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu; bản trích lục sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu do Cục Sở hữu trí tuệ cấp. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ giấy tờ nêu trên, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ ra thông báo yêu cầu doanh nghiệp có tên vi phạm đổi tên doanh nghiệp và làm thủ tục thay đổi tên trong thời hạn 2 tháng, kể từ ngày ra thông báo. Sau thời hạn trên, nếu doanh nghiệp không thay đổi tên theo yêu cầu, cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Thư Viện Pháp Luật