Vượt đèn đỏ phạt bao nhiêu tiền?
Những quy định cơ bản của Luật giao thông đường bộ hầu hết ai cũng được học qua khi thi Giấy phép lái xe. Để lái xe và có Giấy phép lái xe cực kì đơn giản. Còn việc lái xe như thế nào để không vi phạm bất kì quy định nào là cả một vấn đề.
Đa số người tham gia giao thông, nhất là sống trong những đô thị đông đúc dân cư thì việc phạm lỗi an toàn giao thông là điều không thể tránh khỏi.
Luật Giao thông đường bộ quy định người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ, trong đó có tín hiệu đèn giao thông.
Một trong những lỗi thường gặp của đa số người tham gia giao thông làvượt đèn đỏ.
Khoản 3, Điều 10, Luật giao thông đường bộ 2008 quy định:
"3. Đèn tín hiệu giao thông có ba mầu, ý nghĩa từng mầu như sau:
a) Tín hiệu xanh là được đi;
b) Tín hiệu đỏ là cấm đi;
c) Tín hiệu vàng là báo hiệu sự thay đổi tín hiệu. Khi đèn vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp;
d) Tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng cần chú ý."
Như vậy, khi có tín hiệu đèn đỏ có nghĩa là cấm đi, người vượt đèn đỏ là người vi phạm Luật giao thông đường bộ và sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh giao thông đường bộ và đường sắt và mức xử phạt được quy định như sau:
- Ô tô và các loại xe tương tự xe ôtô vượt đèn đỏ
“Điều 5. Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
4. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: k) Khi tín hiệu đèn giao thông đã chuyển sang màu đỏ nhưng không dừng lại trước vạch dừng mà vẫn tiếp tục đi, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng trước khi tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu vàng”.
- Xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy
Điểm c, khoản 4, Điều 6 Nghị đinh này quy định: Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ khi tín hiệu đèn giao thông đã chuyển sang màu đỏ nhưng không dừng lại trước vạch dừng mà vẫn tiếp tục đi, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng trước khi tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu vàng thì bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng.
- Một số phương tiện khác
Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng vi phạm quy tắc giao thông đường bộ: Khi tín hiệu đèn giao thông đã chuyển sang màu đỏ nhưng không dừng lại trước vạch dừng mà vẫn tiếp tục đi, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng trước khi tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu vàng thì bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng (quy định tại điểm h, khoản 4, Điều 7 Nghị định 171)
Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm quy tắc giao thông đường bộ: Khi tín hiệu đèn giao thông đã chuyển sang màu đỏ nhưng không dừng lại trước vạch dừng mà vẫn tiếp tục đi, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng trước khi tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu vàng thì bị phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng (quy định tại điểm h, khoản 2, Điều 8 Nghị định 171).
Ngoài việc bị phạt tiền, đối tượng vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung quy định tại khoản 6, Điều 16, Nghị định 171: Người điều khiển xe ô tô, xe mô tô, xe máy vượt đèn đỏ sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 01 tháng; nếu hành vi vi phạm dẫn đến tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 02 tháng. Người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng vượt đèn đỏ dẫn đến tai nạn giao thông sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) 02 tháng.
Kim Thành
Thư Viện Pháp Luật