Hành hạ trẻ nhiễm HIV, bảo mẫu có bị xử lý hình sự?
Trẻ có quyền được bảo vệ tinh thần, thân thể nhưng ở đây, các cháu đã bị bạo hành, đã có hành vi vi phạm quyền trẻ em. Điều này bị pháp luật ngăn cấm và có quy định xử lý tùy theo từng mức độ.
Theo Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP năm 2013 về quy định vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em:
"Vi phạm quy định về cấm ngược đãi trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; ngăn cản trẻ em tham gia hoạt động xã hội
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 500.000 đồng đối với hành vi ngăn cản trẻ em tham gia
hoạt động xã hội, sinh hoạt cộng đồng hợp pháp, lành mạnh.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em;
b) Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi
trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em;
c) Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;
d) Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác,
tinh thần;
đ) Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn thương tinh thần.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn;
b) Cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm tại Khoản 2 Điều này;
b) Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe trẻ em đối với hành vi vi phạm tại Điểm đ Khoản 2 Điều này;
c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại Khoản 3 Điều này"
Vậy, với những hành vi của mình, những bảo mẫu có thể bị xử phạt hành chính từ 5 triệu đến 10 triệu đồng. Ngoài ra, họ có trách nhiệm khắc phục hậu quả như chịu mọi chi phí điều trị chữa bệnh, buộc phải tiêu hủy vật phẩm gây hại sức khỏe của nạn nhân…
Ngoài ra, pháp luật quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại Điều 34 Nghị định 144/2013/NĐ-CP năm 2013.
"Vi phạm quy định về hoạt động của cơ sở có chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không bảo đảm một trong các điều kiện hoạt động đối với cơ sở có chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em;
b) Giấy phép hoạt động hết thời hạn nhưng chưa gia hạn theo quy định mà vẫn tiếp tục hoạt động.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Hoạt động không đúng nội dung trong giấy phép hoạt động;
b) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định của quy chế hoạt động đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
c) Không làm thủ tục đổi giấy phép hoạt động khi thay đổi tên gọi, địa điểm trụ sở, chủ sở hữu, nội dung hoạt động.
3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Sửa chữa, làm sai lệch hoặc giả mạo giấy tờ để được phép thành lập cơ sở có chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em;
b) Sử dụng kinh phí của cơ sở có chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em không đúng quy định của pháp luật;
c) Thu tiền dịch vụ trái với quy định của pháp luật;
d) Hoạt động mà không đăng ký thành lập hoặc không có giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật;
đ) Không bảo đảm đầy đủ khẩu phần ăn của trẻ em hoặc sử dụng những thực phẩm, hóa chất trái với quy định của pháp luật để chế biến thức ăn cho trẻ em, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động từ 06 tháng đến 12 tháng đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm tại Điểm a Khoản 2, Điểm b và Điểm c Khoản 3 Điều này.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thu hồi giấy phép hoạt động đối với hành vi vi phạm tại Điểm a Khoản 3 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại Điểm b và Điểm c Khoản 3 Điều này."
Việc trung tâm tuyển dụng các bảo mẫu có trình độ văn hóa chưa học hết cấp hai là không đảm bảo yêu cầu công việc theo quy định. Các trẻ bị bạo hành nhiều lần. Nhiều bảo mẫu thực hiện đánh trẻ. Từ những điều này đã có đủ căn cứ xác định người đứng đầu phải liên đới bị xử lý theo Khoản 1, Điều 34 Nghị định 144/2013/NĐ-CP năm 2013. Theo đó, trung tâm này có thể bị xử phạt hành chính từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Riêng khi có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền, trung tâm này có thể bị xử lý nặng nhất là tạm đình chỉ hoặc bị thu hồi giấy phép hoạt động.
Có thể truy cứu hình sự
Theo Điều 110 Bộ luật hình sự: "Tội hành hạ người khác
1. Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật;
b) Đối với nhiều người."
Các bảo mẫu đã có hành vi hành hạ và đối xử tàn ác với các trẻ nhiễm HIV. Việc hành hạ này thể hiện ở một loạt các hành vi đánh bằng tay, bằng dép vào đầu, tát, ép ăn, chỉ vào mặt, siết tay, kẹp hai chân… người bị lệ thuộc mình (các trẻ em đang được bảo mẫu chăm sóc, nuôi dưỡng).
Ở đây hành vi được thực hiện với lỗi cố ý. Các bảo mẫu đã qua đào tạo, hiểu biết rất rõ trách nhiệm chăm sóc và quy tắc đạo đức nghề nghiệp nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi.
Trường hợp này, nạn nhận là trẻ em, có thể coi là tình tiết tăng nặng định khung (điểm b khoản 2 Điều 110 BLHS). Cụ thể, người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Với tình tiết tăng nặng này, các bảo mẫu có thể bị xử phạt tù từ một năm đến ba năm. Đó là trường hợp phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật; Đối với nhiều người thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm.
Nếu hành vi đối xử tàn ác này gây thương tích thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 104). Nếu nạn nhân tự sát thì phạm tội bức tử (Điều 100).
Điều 104 (Bộ luật Hình sự năm 1999, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009):Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác
"1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân."
Điều 100 (Bộ luật Hình sự năm 1999, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009):Tội bức tử
"1. Người nào đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm người đó tự sát, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
2. Phạm tội làm nhiều người tự sát thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm."
Trách nhiệm của người đứng đầu Trung tâm
Giám đốc của Trung tâm Linh Xuân chắc chắn phải chịu trách nhiệm khi để cho hành vi bạo hành, ngược đãi trẻ em xảy ra tại Trung tâm của mình như đã phân tích trên. Khi trở thành người đứng đầu Trung tâm, họ phải có trách nhiệm quản lý sát sao mọi tình hình của Trung tâm.
Nếu như Trung tâm có một chính sách quản lý, giám sát chặt chẽ cũng như có chế độ kiểm tra tư cách đạo đức của các bảo mẫu thì sẽ không có sự việc bạo hành thương tâm xảy ra suốt thời gian qua. Do đó, người đứng đầu Trung tâm Linh Xuân có thể sẽ bị xử lý kỷ luật. Hơn nữa, nếu trong trường hợp xác định sự việc gây ra hậu quả nghiêm trọng thì Giám đốc Trung tâm còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi“Thiếu trách hiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại điều 285 Bộ luật Hình sự.
"Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.
3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm."
Kim Thành
Thư Viện Pháp Luật