Cho vay tiền, tính lãi thế nào để không phạm luật?
Theo quy định tại Điều 471 Bộ luật Dân sự năm 2005 (BLDS) thì hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
Trong BLDS 2005 chỉ quy định duy nhất một điều về lãi suất một cách trực tiếp:
“Điều 476. Lãi suất
1. Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.
2. Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.”.
Nghĩa vụ trả nợ của bên vay được quy định tại Khoản 1 và Khoản 5 Điều 474 BLDS. Cụ thể, bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn. Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.
Nếu có xảy ra tranh chấp thì đây là tranh chấp hợp đồng dân sự, theo quy định tại Khoản 3 Điều 25 và Điểm a, Khoản 1 Điều 33 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) thẩm quyền giải quyết tranh chấp thuộc Tòa án nhân dân cấp huyện.
Theo Điều 427 BLDS và Điều 159 BLTTDS, thời hiệu khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức bị xâm phạm.
Mà cách tính lãi suất theo hướng dẫn tại Mục 4, Phần I Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19/6/1997 của Tòa án nhân dân tối cao:
- Tính lãi vay trong hạn: Lãi trong hạn không được vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm vay.
Thời điểm khi bà Liên cho vay lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố theo Quyết định số 2868/QĐ-NHNN áp dụng từ 01/12/2010 là 9%/năm. Mức lãi suất cao nhất cho phép trong các giao dịch là 150% tức là 13,5%/năm.
- Tính lãi quá hạn: Đối với hợp đồng vay có thời hạn thì thời gian tính lãi nợ quá hạn kể từ khi hết hạn vay. Lãi nợ quá hạn bằng 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố ở thời điểm xét xử sơ thẩm, với thời gian tính lãi từ khi nợ quá hạn đến khi xét xử sơ thẩm (tính một mức lãi suất này cho cả thời gian từ khi quá hạn đến khi xét xử sơ thẩm).
Bên cạnh đó, Điều 163 Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi bổ sung năm 2009, quy định về Tội cho vay nặng lãi như sau:
"1. Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến 10 lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.
2. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một đến 5 lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm".
Theo quy định của điều luật trên, việc cho vay nặng lãi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn hai dấu hiệu sau đây:
Thứ nhất: Lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên. Mức lãi suất cao nhất cho phép trong các giao dịch hiện nay là 150% tức là 13,5%/năm. Như vậy, gấp 10 lần trở lên tức là cao hơn 135%/năm.
Thứ hai: Có tính chất chuyên bóc lột được hiểu là người phạm tội lợi dụng việc cho vay, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn cấp bách của người đi vay để cho vay với lãi suất cao (lãi nặng) nhằm thu lợi bất chính mà thực chất là bóc lột người đi vay. Tính chất chuyên bóc lột của hành vi cho vay lãi nặng thể hiện ở chỗ: người phạm tội thực hiện hành vi cho vay lãi nặng nhiều lần, hành vi mang tính chuyên nghiệp, người phạm tội lấy việc cho vay lãi nặng làm một nghề kiếm sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
Thư Viện Pháp Luật