Làm sao để chuyển quyền sở hữu nhà cho con
Xin trả lời thắc mắc của ông như sau:
Căn nhà tuy đã được tạo lập bằng tiền của vợ chồng ông nhưng trên pháp lý lại do con gái ông đứng tên giùm. Do đó, để tránh phát sinh tranh chấp sau này giữa các con ông, thì vợ chồng ông cần làm giấy xác nhận việc con gái ông tiến hành thủ tục sang tên quyền sở hữu nhà cho người con trai út là theo ý chí của vợ chồng ông.
Giấy xác nhận phải được lập thành văn bản, có xác nhận của chính quyền địa phương về chữ ký của vợ chồng ông.
Trường hợp căn nhà vẫn do con gái ông đứng tên chủ sở hữu thì con gái ông và vợ chồng ông có thể đến cơ quan công chứng để lập hợp đồng tặng cho nhà cho vợ chồng ông.
Sau đó, vợ chồng ông làm thủ tục tặng lại nhà cho con trai ông hoặc lập di chúc để lại nhà cho con trai ông. Ông có thể liên hệ cơ quan công chứng đề nghị hướng dẫn thủ tục cho ông. Xin lưu ý với ông, cần phải phân biệt giữa quyền sở hữu với quyền sử dụng.
Điều 173 Bộ luật Dân sự quy định quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.
Chủ sở hữu có đủ ba quyền là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản.
Điều 198 Bộ luật Dân sự quy định quyền sử dụng là quyền của chủ sở hữu khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản, chỉ là một trong ba quyền của chủ sở hữu.
Như vậy, việc ông muốn giao căn nhà cho một người con để tránh sau này vợ chồng ông qua đời, những người con khác không thể đòi thừa kế căn nhà ấy thì vợ chồng ông phải giao quyền sở hữu căn nhà ấy cho người con chứ không thể chỉ giao quyền sử dụng.
Nếu chỉ giao quyền sử dụng thì khi vợ chồng ông qua đời, căn nhà vẫn thuộc quyền sở hữu của vợ chồng ông nên vẫn được xác định là di sản và phải đem chia cho các người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc.
Luật gia Hoàng Trung Tiếu
Việt Báo (Theo_Thanh Niên )
Thư Viện Pháp Luật