Comment bôi nhọ người khác trên facebook có bị coi là phạm tội?
Với câu hỏi của bạn chúng tôi xin đưa ra tư vấn để bạn tham khảo
Bộ luật dân sự năm 2005 đã quy định tất cả các quyền dân sự của các nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ (Điều 9), trong đó cá nhân được tôn trọng và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín (Điều 37). Bộ luật dân sự cũng quy định, khi quyền dân sự của một chủ thể bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật này hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công nhận quyền dân sự của mình; buộc chấm dứt hành vi vi phạm; buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; buộc bồi thường thiệt hại.
Như vậy, việc giả mạo facebook, comment trên facebook, gửi email nhằm mục đích đưa và phát tán thông tin xuyên tạc, vu khống bôi xấu, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của bạn là hành vi bị pháp luật cấm: “Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; “Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.” theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.
Trước đó, theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 40 Nghị định số 83/2011/NĐ-CP ngày 20/9/2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, hành vi lợi dung hoạt động viễn thông để đe dọa, quấy rối, xúc phạm, xuyên tạc, vu khống uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Bên cạnh đó, người vi phạm còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc chấm dứt sử dụng dịch vụ.
Từ ngày 05/01/2014, các quy định xử phạt nêu trên sẽ được thay thế bằng quy định tại Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 03/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi pham hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Theo đó, hành vi: cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (Điểm g Khoản 3 Điều 66); hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (Điểm đ Khoản 3 Điều 64).
Ngoài ra, những hành vi bôi nhọ danh dự nhân phẩm của người khác một cách nghiêm trọng nói trên có thể cấu thành hai tội hình sự : Tội vu khống và tội làm nhục người khác được quy định tại trong Bộ luật Hình sự và do đó việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm sẽ được thực hiện bằng những biện pháp hình sự. Tuy nhiên biện pháp hình sự chỉ áp dụng được trong trường hợp người thực hiện hai hành vi nói trên có lỗi cố ý.
Tội làm nhục người khác (Điều 121 Bộ luật Hình sự), nếu hành vi vi phạm có các dấu hiệu định tội sau: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu phạm tội nhiều lần hoặc đối với nhiều người, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm”.
Tội vu khống (Điều 122 Bộ luật Hình sự), nếu hành vi vi phạm có các dấu hiệu định tội như sau: Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tối cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu phạm tội nhiều lần hoặc đối với nhiều người có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 7 năm.
Trong trường hợp này, bạn cần trình báo với các cơ quan chức năng (Cơ quan Công an, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông), đề nghị các cơ quan này điều tra, xác minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bạn theo đúng quy định của pháp luật.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
Thư Viện Pháp Luật