Cảnh sát cơ động có được xử phạt vi phạm giao thông?
Một trong những quy tắc giao thông hàng đầu được quy định trong Luật Giao thông đường bộ là người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định.
Khi bạn đi ngược chiều như vậy thì sẽ là trở ngại nguy hiểm cho các phương tiện đang đi đúng chiều. Với các trường hợp khó xử lý, tai nạn rất dễ xảy ra. Vì vậy, không đi bên phải theo chiều đi của mình với người điều khiển xe là một trong hành vi vi phạm làm mất an toàn giao thông.
Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm qui tắc giao thông đường bộ
Điểm b, Khoản 4, Điều 5 Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định:
Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều của đường một chiều, đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định.
Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe đạp điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm qui tắc giao thông đường bộ
Căn cứ vào Điểm i, Khoản 4, Điều 6 Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt:
Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều của đường một chiều, đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định.
Xử phạt người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng vi phạm giao thông đường bộ
Theo Điểm b, Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì mức phạt là:
“Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều của đường một chiều, đường có biển “Cấm đi ngược chiều”.
Như vậy, tùy từng phương tiện mà người tham gia giao thông điều khiển họ có thể phải chịu các mức phạt khác nhau đối với lỗi vi phạm đi ngược chiều của đường một chiều.
Cảnh sát cơ động có được xử phạt vi phạm giao thông?
Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ có quy định về thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt: Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại các điểm, khoản, điều của Nghị định này.
Như vậy, CSCĐ có quyền xử lý người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm đi ngược chiều vào đường một chiều.
Luật Gia: Đồng Xuân Thuận
Thư Viện Pháp Luật