Dọa người điều khiển xe gây tai nạn phải đưa tiền phạm tội gì?
Trả lời:
Qua tình huống bạn mô tả, chúng tôi nhận thấy, mặc dù bạn đã bị đánh nhưng chưa đến mức lâm vào tình trạng bị tê liệt ý chí kháng cự và không thể chống cự nên hành vi chưa thỏa mãn dấu hiệu của “Tội cướp tài sản” vốn là tội “kép” được quy định tại Điều 133 (Bộ luật Hình sự) với hình phạt rất nặng. Người thanh niên này đã có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần nhằm chiếm đoạt tài sản của bạn cho thấy đã có dấu hiệu của “Tội cưỡng đoạt tài sản” được quy định tại Điều 135 (Bộ luật Hình sự). Theo đó: “Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù từ 1 đến 5 năm”.
Đe dọa sẽ dùng vũ lực là hành vi (lời nói hoặc hành động) làm cho người bị đe dọa lo sợ nếu không giao tài sản cho người phạm tội thì sẽ bị đánh đập, tra khảo. Ngay cả trong trường hợp bạn có lỗi trong vụ va chạm đi nữa thì việc đe doạ buộc giao tiền, tài sản này đều trái pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mục đích hành vi đe dọa này nhằm chiếm đoạt tài sản của người bị đe dọa. Đây là tội cấu thành hình thức vì điều luật quy định là hành vi “nhằm chiếm đoạt tài sản”. Do vậy hành vi thỏa mãn tội danh mà không cần xảy ra hậu quả “đã chiếm đoạt được tiền, tài sản” của nạn nhân. Nếu đã chiếm đoạt được thì sẽ là tình tiết tăng nặng khi quyết định hình phạt. Tình huống bạn hỏi rất có thể nằm trong trường hợp này.
Nếu trong trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì người này có thể bị xử phạt hành chính về hành vi “vi phạm trật tự công cộng” Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình.
Thực tế, rất nhiều người khi va chạm giao thông đã bị hành hung nghiêm trọng, thậm chí bị tước đoạt tính mạng chỉ vì thiếu khéo léo, bình tĩnh khi phản ứng. Nếu bị rơi vào hoàn cảnh này, các bên liên quan cần hết sức trấn tĩnh, tỉnh táo để cùng thống nhất phương án, cách thức giải quyết, tránh để xảy ra các tình huống đáng tiếc, không mong muốn. Nên coi việc va chạm giao thông là câu chuyện thường ngày dù rằng hậu quả có nghiêm trọng. Hãy tìm mọi cách liên hệ với cơ quan chức năng để giải quyết nếu việc thương lượng, hòa giải giữa hai bên không đạt được sự đồng thuận.
Theo báo Gia đình & Xã hội
Thư Viện Pháp Luật