Doanh nghiệp thay đổi địa chỉ, hóa đơn xử lý thế nào?
Luật gia Bùi Việt Hòa - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Do anh không cung cấp địa chỉ trụ sở chính của công ty anh dự định chuyển đến có cùng quận với địa chỉ trụ sở chính hiện tại hay không nên Chúng tôi không xác định được việc thay đổi địa chỉ trụ sở chính có dẫn đến việc thay đổi cơ quan quản lý thuế trực tiếp hay không?
Tham khảo quy định tại Thông tư số 39/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/05/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính Phủ quy định về Hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ:
“Đối với các số hóa đơn đã thực hiện thông báo phát hành nhưng chưa sử dụng hết có in sẵn tên, địa chỉ trên tờ hóa đơn, khi có sự thay đổi tên, địa chỉ nhưng không thay đổi mã số thuế và cơ quan thuế quản lý trực tiếp, nếu tổ chức kinh doanh vẫn có nhu cầu sử dụng hóa đơn đã đặt in thì thực hiện đóng dấu tên, địa chỉ mới vào bên cạnh tiêu thức tên, địa chỉ đã in sẵn để tiếp tục sử dụng và gửi thông báo điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành hóa đơn đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp (mẫu số 3.13 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này)” (khoản 2 Điều 9).
"Trường hợp có sự thay đổi địa chỉ kinh doanh dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý trực tiếp, nếu tổ chức có nhu cầu tiếp tục sử dụng số hóa đơn đã phát hành chưa sử dụng hết thì phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn với cơ quan thuế nơi chuyển đi và đóng dấu địa chỉ mới lên hóa đơn, gửi bảng kê hóa đơn chưa sử dụng (mẫu số 3.10 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này) và thông báo điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành hóa đơn đến cơ quan thuế nơi chuyển đến (trong đó nêu rõ số hóa đơn đã phát hành chưa sử dụng, sẽ tiếp tục sử dụng)” (khoản 2 Điều 9).
Như vậy, trường hợp chuyển địa chỉ trụ sở chính, thì Công ty của anh vẫn có thể tiếp tục sử dụng số hóa đơn đã phát hành nhưng chưa sử dụng hết. Tùy theo từng trường hợp, anh nộp hồ sơ đến cơ quan thuế theo mẫu quy định để đề nghị tiếp tục sử dụng số hóa đơn đã phát hành chưa sử dụng hết.
Thư Viện Pháp Luật