Quyền của trẻ vị thành niên khi bị bắt
Hiện nay, trong pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, hàng loạt các chế định pháp luật mang tính cá biệt nhằm bảo đảm quyền của người chưa thành niên phạm tội. Đó là các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của người chưa thành niên; nghĩa vụ của các cơ quan, người tiến hành tố tụng,…đối với người chưa thành niên phạm tội. Toàn bộ những quy định đó thể hiện những tư tưởng, nguyên tắc của Nhà nước ta mang tính nhân đạo và hướng tới mục tiêu chung bảo đảm cho quyền của người chưa thành niên không bị tước bỏ một cách trái pháp luật.
Những quy định này không chỉ nhằm tạo ra cơ sở pháp lý cần thiết, quan trọng cho các cơ quan, người tiến hành tố tụng tránh được sự lạm dụng, vi phạm pháp luật đối với người chưa thành niên phạm tội, đồng thời cũng tạo ra hình ảnh về sự nghiêm minh của pháp luật giúp cho người chưa thành niên tự chấn chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với pháp luật.
Theo quy định của Bộ luật hình sự thì người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự, trong đó người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý (Mức cao nhất của khung hình phạt đến mười lăm năm tù) hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (Mức cao nhất của khung hình phạt trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình); người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi loại tội phạm.
Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Trong mọi trường hợp điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội của người chưa thành niên, các cơ quan có thẩm quyền phải xác định khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân, điều kiện gây ra tội phạm.
Mọi biện pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội được quy định trong pháp luật nước ta đảm bảo phù hợp với hoàn cảnh và tương xứng với tính chất và mức độ vi phạm của người chưa thành niên.
Tuy nhiên, biện pháp xử lý đối với người chưa thành niên được ghi nhận trong Bộ luật Hình sự được xem xét không chỉ đơn thuần dựa vào tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi cũng như hậu quả do hành vi đó gây ra, mà còn tính đến hoàn cảnh riêng của các em, bởi vì mục đích của hình phạt và việc áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên không phải chỉ là để trừng phạt người vi phạm, mà còn nhằm hỗ trợ người vi phạm phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng.
Việc xét xử người chưa thành niên chỉ đặt ra trong những trường hợp thật cần thiết, nếu có phải áp dụng hình phạt đối với các em thì cũng lấy mục đích giáo dục, cải tạo là chủ yếu, không để hình ảnh của pháp luật tồn tại trong tâm trí các em quá sợ hãi hoặc quá khắt khe, dễ gây ra sự bất mãn, lòng thù hận. Chính vì vậy, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự đã dành 01 chương riêng để quy định khi các đối tượng này tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 có quy định về việc Bắt, tạm giữ, tạm giam đối với người chưa thành niên phạm tội cụ thể như sau:
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu có đủ căn cứ quy định tại các điều 80, 81, 82, 86, 88 và 120 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, nhưng chỉ trong những trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu có đủ căn cứ quy định tại các điều 80, 81, 82, 86, 88 và 120 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, nhưng chỉ trong những trường hợp phạm tội nghiêm trọng do cố ý, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Theo quy định thì cơ quan ra lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam người chưa thành niên phạm tội phải thông báo cho gia đình, người đại diện hợp pháp của họ biết ngay sau khi bắt, tạm giữ, tạm giam. Mọi quyết định liên quan đến người chưa thành niện phạm tội đều phải được thông báo cho gia đình, người đại diện hợp pháp của họ, tạo điều kiện cho những người này bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên. Gia đình bạn có thể yêu cầu cơ quan điều tra cung cấp các thông tin cần thiết về việc tạm giam, cũng như ra quyết định ra hạn tạm giam đối với người bị tạm giam.
Như vậy, quyền của người chưa thành niên chỉ có thể bị hạn chế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trên cơ sở quy định của pháp luật. Tòa án là cơ quan duy nhất nhân danh Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra quyết định áp dụng hình phạt đối với người thực hiện hành vi phạm tội mà trong đó có người chưa thành niên. Sự phán quyết của Tòa án bao giờ cũng phải dựa trên cơ sở của pháp luật và chỉ tuân theo pháp luật.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
Thư Viện Pháp Luật