Quy định về thời hạn tạm ngừng phiên tòa sơ thẩm dân sự
Căn cứ tạm ngừng phiên toà
Khoản 2 Điều 197 quy định, về nguyên tắc phiên toà sơ thẩm phải được tiến hành liên tục từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc phiên toà, trừ trường hợp có căn cứ tạm ngừng phiên toà và Toà án chỉ tạm ngừng phiên toà trong trường hợp đặc biệt do Bộ luật này quy định. Nhưng BLTTDS và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành BLTTDS lại không quy định những trường hợp nào là căn cứ tạm ngừng phiên toà dẫn đến có những cách hiểu và áp dụng khác nhau giữa các Toà án, thậm chí giữa các Thẩm phán trong cùng một Toà án.
Có quan điểm cho rằng, đó là căn cứ được quy định tại Điều 198 “ thay thế thành viên HĐXX trong trường hợp đặc biệt” tức là trong trường hợp Thẩm phán, HTND không thể tiếp tục tham gia xét xử vụ án nhưng không có Thẩm phán, HTND dự khuyết thay thế thì phiên toà phải tạm ngừng, trong trường hợp này thì vụ án phải được xét xử lại từ đầu. Đây chỉ là một trong các trường hợp phải tạm ngừng phiên toà, bởi thực tế còn có những trường hợp tại phiên toà đương sự xuất trình chứng cứ, tài liệu mới. Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành, đương sự có quyền cung cấp chứng cứ trong suốt quá trình Toà án giải quyết vụ án và Toà án phải có trách nhiệm xem xét, đánh giá các chứng cứ, tài liệu đó. Nhưng trong nhiều trường hợp, việc xem xét đánh giá chứng cứ không thể thực hiện được tại phiên toà mà cần phải có thời gian và các điều kiện khác, khi đó phiên toà không thể tiếp tục các hoạt động tố tụng tiếp theo như quy định mà phải dừng lại.
Như vậy, trường hợp HĐXX đang giải quyết nội dung vụ án nhưng không thể tiếp tục phiên toà vì cần phải thu thập thêm chứng cứ thì mới có thể giải quyết được vụ án, nên phiên toà phải được tạm ngừng phiên toà nhưng hiện tại BLTTDS và các văn bản hướng dẫn thi hành BLTTDS không quy định và không hướng dẫn về căn cứ tạm ngừng phiên toà.
Trước kia, căn cứ tạm ngừng phiên toà đã được TANDTC hướng dẫn trong Công văn số 305/ NCPL ngày 22/12/1990 giải thích một số vấn đề về thủ tục tố tụng dân sự : “Trong trường hợp HĐXX tiến hành thẩm vấn tại phiên toà, mà thấy cần phải xem xét thêm về chứng cứ, cần phải có thời gian để điều tra, xác minh thêm… mới có thể giải quyết được vụ án thì HĐXX không được hoãn phiên toà mà chỉ có thể tạm ngừng việc tiến hành phiên toà để điều tra, xác minh thêm trong thời gian thích hợp do HĐXX quyết định. Sau khi đã điều tra, xác minh HĐXX tiếp tục mở lại phiên toà để xét xử vụ án”.
Thời hạn tạm ngừng phiên toà
Theo quy định tại đoạn 2 Khoản 2 Điều 197 BLTTDS, thời gian tạm ngừng phiên toà tối đa không quá năm ngày làm việc. Quy định này nhằm đảm bảo việc xét xử nhanh chóng, tránh việc kéo dài thời gian giải quyết vụ án, bảo vệ kịp thời các quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Tuy nhiên, nếu tạm ngừng phiên toà trong trường hợp Thẩm phán, HTND không thể tiếp tục tham gia xét xử vụ án nhưng không có Thẩm phán, HTND dự khuyết thay thế thì phiên toà phải tạm ngừng, trong trường hợp này thì vụ án phải được xét xử lại từ đầu tức là nội dung vụ án phải được xem xét từ đầu bởi một HĐXX mới thì khoảng thời hạn năm ngày làm việc trong nhiều trường hợp, đặc biệt là các vụ án phức tạp, có nhiều đương sự không thể đủ thời gian để HĐXX mới có thể tiếp cận, nghiên cứư hồ sơ vụ án.
Mặt khác, nếu kiến nghị các căn cứ hoãn phiên toà theo hướng nêu trên thì thời gian năm ngày làm việc cũng không thể đủ để các cơ quan, tổ chức thực hiện được việc giám định hoặc thu thập chứng cứ.
Hình thức tạm ngừng phiên toà
Đoạn 2 Khoản 2 Điều 197 BLTTDS không quy định về hình thức tạm ngừng phiên toà, dẫn đến trong thực tiễn có những cách thức tạm ngừng phiên toà khác nhau giữa các Toà án. Việc tạm ngừng phiên toà có ảnh hưởng quan trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự bởi nhiều trường hợp việc kéo dài thời gian giải quyết vụ án làm lợi cho một bên đương sự nhiều triệu đồng và ngược lại, đặc biệt là các tranh chấp về kinh doanh, thương mại…Cho nên, bên cạnh việc quy định chặt chẽ căn cứ tạm ngừng phiên toà, thì việc tạm ngừng phiên toà cần được thể hiện dưới hình thức quyết định, trong đó nêu rõ tên vụ án; họ, tên những người tiến hành tố tụng; họ, tên các đương sự; căn cứ tạm ngừng; thời hạn tạm ngừng. Quyết định này phải được HĐXX thảo luận và thông qua tại phòng nghị án.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
Thư Viện Pháp Luật