Khai sinh cho trẻ sinh ra do mang thai hộ như thế nào?
Theo Điều 94 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc xác định cha, mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo: “Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra”.
Khoản 2 Điều 98 Luật hôn nhân và gia đình 2014 còn quy định: “Quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đối với con phát sinh kể từ thời điểm con được sinh ra”.
[Khai sinh cho trẻ sinh ra do mang thai hộ như thế nào? - Ảnh 1]
Ngày 27/10/2015, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 34/2015/TT-BTY về việc sửa đổi, bổ sung Điều 2 Thông tư số 17/2012/TT-BYT ngày 24/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cấp và sử dụng Giấy chứng sinh.
Đối với trường hợp trẻ sinh do thực hiện kỹ thuật mang thai hộ, Thông tư số 34/2015/TT-BYT quy định: “Trường hợp trẻ sinh ra do thực hiện kỹ thuật mang thai hộ thì Bên vợ chồng nhờ mang thai hộ hoặc Bên mang thai hộ phải nộp Bản xác nhận về việc sinh con bằng kỹ thuật mang thai hộ theo Phụ lục số 05 ban hành kèm theo Thông tư và bản sao có chứng thực hoặc bản chụp có kèm theo bản chính để đối chiếu Bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa vợ chồng nhờ mang thai hộ và Bên mang thai hộ gửi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi trẻ sinh ra. Trẻ sinh ra do thực hiện kỹ thuật mang thai hộ sẽ được cấp Giấy chứng sinh theo Mẫu quy định tại Phụ lục 01A ban hành kèm theo Thông tư này. Giấy chứng sinh này là văn bản chứng minh việc mang thai hộ khi làm thủ tục đăng ký khai sinh.”
Việc cấp Giấy chứng sinh thực hiện như sau: “Trước khi trẻ sơ sinh về nhà, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Khoản 1 Điều này có trách nhiệm ghi đầy đủ các nội dung theo mẫu Giấy chứng sinh tại Phụ lục 01 hoặc Phụ lục 01A ban hành kèm theo Thông tư này. Cha, mẹ hoặc người thân thích của trẻ có trách nhiệm đọc, kiểm tra lại thông tin trước khi ký. Giấy chứng sinh được làm thành 02 bản có giá trị pháp lý như nhau, 01 bản giao cho bố, mẹ hoặc người thân thích của trẻ để làm thủ tục khai sinh và 01 bản lưu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”.
Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.
Mẫu Giấy chứng sinh được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thể truy cập trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế để in và sử dụng.
Như vậy, nếu cháu bé sinh trước ngày Thông tư 34/2015/TT-BYT ngày 27/10/2015 có hiệu lực, việc khai sinh của cháu bé sẽ thực hiện theo thủ tục đăng ký khai sinh thông thường. Nếu cháu bé sinh sau ngày Thông tư này có hiệu lực thì áp dụng theo quy định của Thông tư. Kể từ ngày 1/1/2016 sẽ có thêm các quy định của Luật Hộ tịch 2014 điều chỉnh vấn đề đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
Thư Viện Pháp Luật