Vay tín chấp có bị kê biên nhà để trả nợ?
Vấn đề này chuyên gia tư vấn luật TRẦN THỊ HẬU - CÔNG TY LUẬT HỢP DANH FDVN trả lời như sau:
Vợ chồng anh chị có ký với Ngân hàng Hợp đồng vay tài sản số tiền 100 triệu đồng dưới hình thức vay tín chấp. Vì là cũng ký và thỏa thuận nên theo Khoản 1 Điều 37 Luật Hôn nhân - Gia đình 2014, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận là nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng; và được đảm bảo thực hiện bằng tài sản chung của vợ chồng theo Khoản 2 Điều 33 Luật Hôn nhân - Gia đình 2014.
Trong trường hợp này, anh chị đã không thực hiện được nghĩa vụ cơ bản của bên vay trong hợp đồng vay tài sản là trả đủ tiền khi đến hạn theo thỏa thuận (Khoản 1 Điều 474 Bộ luật Dân sự). Do đó, Ngân hàng đã khởi kiện và Tòa án đã có bản án với quyết định buộc anh chị phải thực hiện nghĩa vụ của mình bằng tài sản chung và đã chuyển sang cơ quan thi hành án thực hiện. Theo Khoản 19 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung 2014, anh chị có thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hoặc được thông báo hợp lệ Quyết định thi hành án để tự nguyện thi hành án. Khi hết thời hạn đó mà anh chị không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế thi hành án theo Điều 46 Luật Thi hành án dân sự. Vì vậy, việc cơ quan thi hành án áp dụng biện pháp kê biên tài sản của anh chị là ngôi nhà đang ở theo Khoản 3 Điều 71 Luật Thi hành án dân sự 2008 là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Do đó, dù anh chị đã ký kết với Ngân hàng một Hợp đồng vay tín dụng không thế chấp tài sản (Hợp đồng vay tín chấp) nhưng nếu anh chị không thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mình theo Hợp đồng thì tài sản của anh chị vẫn bị kê biên theo Bản án có hiệu lực của Tòa án, Quyết định thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ của anh chị.
HUY LÂM
Thư Viện Pháp Luật