Không nhường đường cho xe xin vượt bị phạt bao nhiêu?
Vấn đề này xin được đưa ra ý kiến như sau:
Đối với quy tắc vượt xe, Luật Giao thông đường bộ quy định:
- Xe xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; trong đô thị và khu đông dân cư từ 22 giờ đến 5 giờ chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn.
- Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.
- Khi có xe xin vượt, nếu đủ điều kiện an toàn, người điều khiển phương tiện phía trước phải giảm tốc độ, đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây trở ngại đối với xe xin vượt.
Theo đó, nếu bạn xin vượt xe khi đủ điều kiện an toàn và có báo hiệu xin vượt mà người điều khiển phía trước không nhường đường (giảm tốc độ, đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây trở ngại đối với xe xin vượt) thì chủ phương tiện phía trước đã vi phạm quy tắc giao thông đường bộ và sẽ bị xử phạt theo quy định của Nghị định 171/2013/NĐ-CP.
Cụ thể tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 5 quy định phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm: “Không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn; không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên, đường chính từ bất kỳ hướng nào tới tại nơi đường giao nhau”.
Điểm d, Khoản 2, Điều 6 quy định phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người điều khiển, xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy thực hiện một trong các hành vi vi phạm: “Không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn; không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên, đường chính từ bất kỳ hướng nào tới tại nơi đường giao nhau”.
Như vậy, trong trường hợp xe bạn xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn mà người điều khiển xe phía trước không nhường đường sẽ bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng (đối với người điều khiển xe ô tô), từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng (đối với người điều khiển xe gắn máy).
Không nhường đường cho xe ưu tiên bị xử lý thế nào?
Luật Giao thông đường bộ quy định, xe ưu tiên là những loại phương tiện thực thi công vụ, không bị hạn chế tốc độ và được phép đi vào đường ngược chiều hoặc bất cứ các đường nào khác có thể đi được, kể cả khi đã có tín hiệu đèn đỏ (chỉ trừ đoàn xe tang), nhưng phải tuân theo sự chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. Khi có tín hiệu của xe ưu tiên, mọi người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Nghiêm cấm các hành vi cản trở xe ưu tiên.
Theo đó, một số phương tiện được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự sau đây:
1. Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;
2. Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp;
3. Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;
4. Xe hộ đê, xe đang làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai hoặc tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;
5. Đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;
6. Đoàn xe tang;
7. Các xe khác theo quy định của pháp luật.
Khi có tín hiệu của xe ưu tiên, mọi người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Cấm các hành vi gây cản trở xe ưu tiên.
Các xe được quyền ưu tiên kể trên (trừ đoàn xe tang) khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.
Ngoài ra, Luật giao thông đường bộ còn có những quy định riêng áp dụng đối với các xe được quyền ưu tiên, chẳng hạn như: Luật giao thông đường bộ cũng nghiêm cấm người tham gia giao thông vượt xe khi gặp xe được quyền ưu tiên; Các xe được quyền ưu tiên cũng được ưu tiên khi đi qua phà, cầu phao…
Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ khi đi qua nơi xảy ra tai nạn thì có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu, nhưng các xe được quyền ưu tiên thì không bắt buộc phải thực hiện quy định này; và luật giao thông đường bộ cũng nghiêm cấm việc bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ, bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư, trừ các xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.
Nếu vi phạm, người điều khiển phương tiện sẽ bị xử lý theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cụ thể:
Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác gây cản trở xe ưu tiên sẽ bị phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng.
Người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 02 tháng.
Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng.
Người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ sẽ bị phạt phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng.
Nếu hành vi này gây ra tai nạn giao thông thì người vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) 02 tháng.
* Thông tin trên có giá trị tham khảo với người đọc, dựa trên những quy định của pháp luật.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
Thư Viện Pháp Luật