Trước khi cưỡng chế đất, chính quyền có phải thông báo cho dân?

Bà Đinh Thị Phiết (trú tại phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng) gửi đơn đến báo Đời sống và Pháp luật thắc mắc về quy định cưỡng chế đất đai. Theo phản ánh, gia đình bà Phiết có ngôi nhà sàn tại thôn Vĩnh Lạc, xã Mỹ Thành (Mỹ Đức, TP Hà Nội) nằm trong diện giải tỏa hành lang giao thông là dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp tuyến tỉnh lộ 419 đoạn từ Km44 đến Km60 thuộc địa bàn huyện Mỹ Đức. Trước đó gia đình bà chỉ nhận được thông báo “Thông báo v/v tổ chức giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường 419” của UBND xã Mỹ Thành. "Ngoài văn bản này thì gia đình tôi không nhận được bất cứ quyết định hay biên bản gì”, bà Phiết cho hay. Trong quá trình hai đên đang đàm phán, nói chuyện, yêu cầu chính quyền xã đưa ra quyết định phá dỡ, cưỡng chế thì bên ngoài máy xúc, máy ủi đã lao vào phá dỡ hàng rào, dây thép gai, phá cây cối, hoa màu. “Sau khi phá dỡ cổng, hàng rào, cây cối, hoa màu của gia đình tôi, nhóm người này đã bốc nhiều đồ vật là: 10 cột bê tông, 5 cây sấu, 2 cây lộc vừng và nhiều cây na, mít và cả giàn hoa… cho lên xe ô tô và chở đi mà không hề có bất kỳ một biên bản làm việc nào với gia đình”, bà Phiết phản ánh. Bà Nguyễn Thị Hằng – Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành cho biết: “Vì chỉ là những hàng rào nên không có một quyết định nào hết”. Bà Phiết thắc mắc, UBND xã Mỹ Thành (Mỹ Đức, Hà Nội) làm đúng hay sai khi cưỡng chế đất để giải tỏa hành lang giao thông nhưng không thông báo cho gia đình bà biết trước. Ngoài ra, sau khi cưỡng chế đất, chính quyền đã mang tài sản của gia đình đi nhưng không có biên bản kiểm kê.

Luật gia Đồng Xuân Thuận trả lời như sau: Dù gia đình bà Phiết có lấn chiếm đất hay không thì bản chất việc tháo dỡ của UBND xã Mỹ Thành là cưỡng chế nên phải làm đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20/6/2012 và các Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Theo đó, việc cưỡng chế chỉ được thực hiện sau khi đã có biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt hành chính và quyết định cưỡng chế. Trước khi tổ chức cưỡng chế, tổ chức ra quyết định cưỡng chế phải gửi quyết định cưỡng chế đến cá nhân (tổ chức) vi phạm và các cơ quan cấp trên để cùng thực hiện.

Về Quyết định cưỡng chế hành chính, UBND xã Mỹ Thành chỉ được thực hiện khi có quyết định cưỡng chế hành chính của người có thẩm quyền.

Trong đó, quyết định phải thể hiện rõ các nội dung sau: ngày, tháng, năm ra quyết định; căn cứ ra quyết định; họ tên, chức vụ của người ra quyết định; họ tên, địa chỉ của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, các biện pháp khắc phục hậu quả phải thực hiện; thời gian hoàn thành cưỡng chế; cá nhân, cơ quan có trách nhiệm chủ trì tổ chức các hoạt động cưỡng chế; cơ quan có trách nhiệm tham gia; chữ ký và họ tên của người ra quyết định, dấu của cơ quan ra quyết định.

Quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng trái phép phải được gửi đến cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, UBND cấp xã nơi tiến hành các biện pháp cưỡng chế trước khi tiến hành cưỡng chế 5 ngày để phối hợp thực hiện.

Người đã ra quyết định cưỡng chế hành chính có nhiệm vụ tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế đó. Khi nhận được quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng trái phép, cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế phải phối hợp với các cơ quan có liên quan huy động lực lượng, phương tiện để thực hiện biện pháp đã ghi trong quyết định.

Trước khi tiến hành cưỡng chế, nếu cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế tự nguyện thi hành thì cơ quan chủ trì cưỡng chế lập biên bản công nhận sự tự nguyện thi hành. Trường hợp cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế cố tình vắng mặt thì vẫn tiến hành cưỡng chế. Khi thực hiện cưỡng chế phải có đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến.

Trong trường hợp cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế về việc tháo dỡ, di chuyển công trình xây dựng và trên đất đó có tài sản không thuộc diện phải cưỡng chế thì người tổ chức cưỡng chế có quyền buộc cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế, đồng thời yêu cầu họ tự chuyển tài sản ra theo.

Nếu người bị cưỡng chế từ chối nhận tài sản, người tổ chức cưỡng chế phải lập biên bản ghi rõ số lượng, chủng loại, tình trạng từng loại tài sản và thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện để trông giữ, bảo quản hoặc bảo quản tại kho của cơ quan ra quyết định cưỡng chế và thông báo địa điểm, thời gian để cá nhân, tổ chức có tài sản nhận lại tài sản. Cá nhân, tổ chức có tài sản phải chịu các chi phí vận chuyển, trông giữ, bảo quản tài sản.

Biên bản thi hành quyết định cưỡng chế để thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải ghi rõ thời gian, địa điểm, cơ quan chủ trì tiến hành cưỡng chế; cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế; đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến; kết quả thực hiện.

Cá nhân hoặc đại diện tổ chức bị cưỡng chế, đại diện cơ quan đã ra quyết định cưỡng chế, đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến ký vào biên bản. Trong trường hợp có người vắng mặt hoặc có mặt mà từ chối ký biên bản thì việc đó phải ghi vào biên bản và nêu rõ lý do.

HOA TRẦN

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào