Hợp đồng thuê nhà có phải công chứng, chứng thực không?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Với thắc mắc của bạn, xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Điều 492 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Hợp đồng thuê nhà ở phải được lập thành văn bản, nếu thời hạn thuê từ 6 tháng trở lên phải có công chứng hoặc chứng thực và phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Để giản lược các thủ tục hành chính, ngày 10/12/2010, Chính phủ ra Nghị quyết 52/NQ-CP, trong đó có quy định hợp đồng thuê nhà không cần công chứng. Quy định này còn được khẳng định qua Thông báo 63/TP-CPCP của Văn phòng Chính phủ, nhấn mạnh việc tiếp tục bãi bỏ các quy định về công chứng trong một số hợp đồng, trong đó có hợp đồng thuê nhà. Hai văn bản chuyên ngành là Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 tới đây cũng có các quy định bãi bỏ thủ tục bắt buộc công chứng, chứng thực hợp đồng cho thuê nhà.
Cụ thể, khoản 2, Điều 122, Luật Nhà ở năm 2014 quy định về công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở như sau: Đối với trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.
Ngoài ra tại Khoản 2 Điều 17 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 cũng quy định: “Hợp đồng kinh doanh bất động sản phải được lập thành văn bản. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng do các bên thỏa thuận, trừ hợp đồng mua bán, thuê mua nhà, công trình xây dựng, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà các bên là hộ gia đình, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 10 của luật này thì phải công chứng hoặc chứng thực”.
Đối với các giao dịch này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm ký kết hợp đồng.
Theo khoản 2 và khoản 3 Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật thực hiện theo nguyên tắc sau:
- Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.
- Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau.
Công chứng, chứng thực với hợp đồng về nhà ở
Bộ luật Dân sự năm 2005 và Luật Nhà ở năm 2014 có giá trị pháp lý ngang nhau. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2005 và Luật Nhà ở năm 2014 quy định khác nhau về hình thức hợp đồng thuê nhà ở, công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở khác nhau thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau là Luật Nhà ở năm 2014.
Theo đó, đối với trường hợp các hợp đồng cho thuê nhà ở được ký kết từ ngày Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực (từ ngày 1/7/2015) không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên giao kết hợp đồng có nhu cầu.
Công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực và tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch; công chứng viên phải chịu trách nhiệm về nội dung của hợp đồng, giao dịch, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng của mình, bồi thường thiệt hại do mình gây ra trong quá trình hành nghề công chứng nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.
Chứng thực là việc là việc UBND cấp xã chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; người yêu cầu chứng thực phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch.
Mặc dù pháp luật hiện hành quy định hợp đồng cho thuê nhà ở không bắt buộc phải công chứng, chứng thực, nhưng các bên giao kết hợp đồng cần tìm hiểu ý nghĩa của việc công chứng và chứng thực, đặc biệt là hệ quả pháp lý của việc đó, từ đó căn cứ vào nhu cầu, điều kiện và hoàn cảnh của mình; căn cứ vào tính chất phức tạp, tiên lượng mức độ rủi ro… để quyết định có cần thiết, hay không cần thiết yêu cầu công chứng, chứng thực.
Trường hợp các bên giao kết hợp đồng cho thuê nhà ở không có nhu cầu công chứng, chứng thực, có nhờ bên thứ ba (ví dụ người là tổ trưởng tổ dân phố, người hàng xóm...) làm chứng, hay không nhờ người làm chứng thì hợp đồng vẫn có giá trị pháp lý, nếu hợp đồng đó được tuân thủ đúng quy định về nội dung và hình thức theo quy định tại Điều 121 Luật Nhà ở năm 2014.
Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng cho thuê nhà ở có tranh chấp, mà môt trong hai bên khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết, thì việc xét xử sẽ căn cứ vào quy định của pháp luật. Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp.
Theo đó, việc không công chứng hợp đồng thuê nhà ở không có nghĩa các bên lợi dụng việc này để thỏa thuận trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ thuế. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cho thuê bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên thì không phải thành lập doanh nghiệp, nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật. Kê khai thuế và nộp thuế là nghĩa vụ của bên cho thuê nhà. Nếu bên thuê nhà có hành vi trốn tránh nghĩa vụ thuế sẽ bị áp dụng các chế tài do luật định. Để phù hợp với quy định không bắt buộc công chứng, chứng thực hợp đồng cho thuê nhà ở trong văn bản pháp luật mới và nhằm quản lý thuế chặt chẽ hơn, trong thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền sẽ có hướng dẫn chi tiết về việc kê khai và nộp thuế đối với các trường hợp cho thuê nhà với quy mô nhỏ, không thường xuyên.
Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
Thư Viện Pháp Luật