Sinh con bằng thụ tinh nhân tạo, ai phải cấp dưỡng khi ly hôn?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Với thắc mắc của bạn, xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Khoản 21 Điều 3 Luật Hôn nhân gia đình 2014 có quy định: “Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm”.
Căn cứ vào quy định trên thì việc sinh con của vợ chồng bạn là sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Việc xác định cha, mẹ trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được thực hiện theo quy định tại Điều 93 Luật Hôn nhân gia đình.
Cụ thể tại Điều 93 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:
Trong trường hợp người vợ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì việc xác định cha, mẹ được áp dụng như sau:
Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.
Do đó, từ các quy định trên, khi vợ chồng sinh con bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo mà con được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân thì vẫn được xác định là con chung của vợ và chồng. Nếu không thừa nhận con thì người không thừa nhận phải có chứng cứ và phải được tòa án xác định.
Khi đó, việc ly hôn của vợ chồng vẫn được Tòa án chấp nhận và Tòa án tuyên đứa con đó là con chung của hai vợ chồng. Việc giải quyết các vấn đề về quyền và nghĩa vụ khi ly hôn của 2 vợ chồng phải tuân theo quy định Pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Theo căn cứ tại Khoản 1, Điều 107, Luật này, về Nghĩa vụ cấp dưỡng ghi nhận:
Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này. Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.
Như vậy, sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Người phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nếu không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì không chỉ trái về đạo lý mà còn là hành vi trái pháp luật, không tuân thủ và chấp hành pháp luật. Người đó có thể bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính hoặc chế tài hình sự để xử lý nếu xét thấy cần thiết.
Mức cấp dưỡng nuôi con hàng tháng
Theo quy định tại khoản 1 điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì “Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.” và “Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con”.
Tiền cấp dưỡng nuôi con được quy định tại mục 11 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP như sau: "Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì tùy vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý...".
Khi quyết định mức tiền phải cấp dưỡng, Tòa án sẽ căn cứ vào mức thu nhập của người cấp dưỡng, vì vậy mức cấp dưỡng thường không cao hơn mức thu nhập của người cấp dưỡng. Tuy nhiên, trong trường hợp mức cấp dưỡng nuôi con tòa án phán quyết vẫn vượt quá khả năng của người cấp dưỡng thì người cấp dưỡng có quyền làm đơn đề nghị tòa án xem xét lại mức cấp dưỡng.
Như vậy, pháp luật Việt Nam không quy định cụ thể mức cấp dưỡng mà Tòa án sẽ xem xét mức cấp dưỡng trong từng trường hợp cụ thể.
Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.
Luật gia ĐỒNG XUÂN THUẬN
Thư Viện Pháp Luật