Doanh nhân được đầu tư ra nước ngoài theo hình thức nào?
Luật sư trả lời
Theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật Đầu tư 2014, nhà đầu tư được thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo các hình thức sau:
“a) Thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư;
b) Thực hiện hợp đồng BCC ở nước ngoài;
c) Mua lại một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý và thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại nước ngoài;
d) Mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài;
đ) Các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư”.
Cần lưu ý, riêng hình thức đầu tư “Mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài” quy định tại điểm d khoản 1 Điều 52 vừa trích dẫn ở trên là hình thức đầu tư gián tiếp, được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định 135/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.
Về việc chuyển lợi nhuận về Việt Nam: Điều 65 Luật đầu tư 2014 quy định về việc chuyển lợi nhuận về nước như sau:
“1. Trừ trường hợp sử dụng lợi nhuận để đầu tư ở nước ngoài theo quy định tại Điều 66 của Luật này, trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày có báo cáo quyết toán thuế hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư, nhà đầu tư phải chuyển toàn bộ lợi nhuận thu được và các khoản thu nhập khác từ đầu tư ở nước ngoài về Việt Nam.
2. Trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này mà chưa chuyển lợi nhuận và các khoản thu nhập khác về Việt Nam, nhà đầu tư phải có văn bản báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thời hạn chuyển lợi nhuận về nước được gia hạn không quá hai lần, mỗi lần không quá 6 tháng và phải được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận bằng văn bản”.
Ngoài ra, khoản 8 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số Điều của pháp lệnh ngoại hối năm 2013 còn quy định: “Vốn, lợi nhuận và các khoản thu nhập hợp pháp từ việc đầu tư trực tiếp ra nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định khác của pháp luật có liên quan chuyển về Việt Nam phải thông qua tài khoản ngoại tệ mở tại tổ chức tín dụng được phép”.
Trên đây là một số các quy định về hoạt động đầu tư ra nước ngoài đối với nhà đầu tư Việt Nam, hiện nay Nhà nước đã quy định rất cụ thể và chặt chẽ về hoạt động này thể hiện trong các văn bản như Luật Đầu tư năm 2014, Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), Nghị định 135/2015/NĐ-CP về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài… và các văn bản có liên quan khác.
Do đó, để đảm bảo tính hợp pháp cho hoạt động đầu tư của mình cũng như tránh những hậu quả không đáng có xảy ra, bạn cần tìm hiểu và nắm vững những quy định về hoạt động này tại các văn bản vừa nêu trên.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội
Thư Viện Pháp Luật