Làm gì khi người yêu làm có con rồi "quất ngựa truy phong"?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Với thắc mắc của bạn, xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Theo đó, phía sau những cuộc tình tan vỡ do yêu cuồng, sống vội, cưới gấp, sớm ly hôn của giới trẻ không đơn giản chỉ là vết sẹo khó lành về tinh thần, vật chất mà còn sinh ra biết bao hệ lụy về vấn nạn mang thai ngoài ý muốn. Để rồi sau đó bị người đàn ông vô trách nhiệm cắt đứa liên lạc, không muốn tiếp tục mối quan hệ, cha chối bỏ con và trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, từ bỏ mọi trách nhiệm.
Về tình thì Cha có thể không nhận con, nhưng con thì hoàn toàn có quyền nhận cha. Do đó, trong trường hợp người cha chối bỏ con cũng như không muốn thực hiện nghĩa vụ của mình với con, người mẹ có thể nộp đơn yêu cầu Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Toà án nhân dân cấp huyện) giải quyết với nội dung xác định cha cho con theo quy định tại khoản 4 Điều 27 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004.
Về thẩm quyền, thủ tục giải quyết việc xác định cha, mẹ, con
Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp.
Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Quyết định của Tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch; các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Trong trường hợp của chị, do người bố không muốn nhận con cũng như không muốn thực hiện nghĩa vụ của mình với con chị nên chị có thể nộp đơn yêu cầu Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết với nội dung xác định cha cho con.
Tuy nhiên, bố của con chị từ chối giám định ADN, trong khi đây là một yêu cầu bắt buộc trong vụ án xác định cha, mẹ, con. Điều này sẽ gây trở ngại lớn cho Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án và cho chị trong việc xác định cha cho con. Vì vậy, chị cần chủ động thu thập và chuẩn bị những chứng cứ để chứng minh được là có quan hệ cha con để Tòa án có thêm căn cứ giải quyết vụ việc. Chỉ khi cơ quan có thẩm quyền công nhận mối quan hệ cha con thì chị mới có quyền yêu cầu bố của cháu bé thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con mình.
Chứng cứ chứng minh có thể thông qua một số chứng cứ gián tiếp như:
- Giấy tờ hoặc thư do người bị kiện viết trong đó có thừa nhận đứa bé là con mình;
- Trong thời gian có thể thụ thai đứa bé, chị và người đàn ông kia chung sống với nhau như vợ chồng;
- Thông qua dư luận xã hội,…
Khi đã xác định được anh ta là cha của con chị thì chị có thể yêu cầu anh ta thực hiện các quyền và nghĩa đối với con theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Về vấn đề bồi thường thiệt hại về danh dự
Theo chị trình bày thì chị bị anh ấy “bôi nhọ” danh dự với nhiều người. Theo quy định tại Điều 307 Bộ luật Dân sự 2005 thì người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại.
Mặt khác, Điều 611 Bộ luật Dân sự 2005 quy định thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự, uy tín của pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm bao gồm: chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại và thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường những thiệt hại nêu trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Tuy nhiên, hiện pháp luật dân sự chưa có quy định hay hướng dẫn về mức độ xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín nghiêm trọng đến mức nào thì người vi phạm sẽ phải bồi thường.
Do đó, khi khởi kiện, chị cần chứng minh được việc mình bị xâm phạm về danh dự, nhân phẩm (hành vi xâm phạm là gì? ở đâu? có ai chứng kiến không?...) để Tòa án có căn cứ giải quyết.
Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.
Luật gia ĐỒNG XUÂN THUẬN
Thư Viện Pháp Luật