Cảnh sát 113 có quyền xử phạt vi phạm giao thông không?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Với thắc mắc của bạn, xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Tại điều 68 Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có quy định các lực lượng cảnh sát có thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ gồm: cảnh sát giao thông đường bộ, cảnh sát trật tự, cảnh sát phản ứng nhanh, cảnh sát cơ động, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ và thanh tra giao thông vận tải.
Theo quyết định của Bộ Công an thì cảnh sát 113 có 5 nhiệm vụ, trong đó có 3 nhiệm vụ chính, đặc biệt quan trọng:
- Tổ chức lực lượng trực 24/24 giờ để tiếp nhận những thông tin liên quan đến an toàn trật tự và yêu cầu chính đáng của nhân dân. Ví dụ thông tin phản ảnh về gây rối trật tự công cộng, tai nạn giao thông, lấn chiếm lòng lề đường, đêm hôm neo đơn bị bệnh...
- Điều động lực lượng phản ứng nhanh đến nơi xảy ra vụ việc tiến hành các biện pháp ban đầu cần thiết, nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật. Bắt giữ đối tượng phạm tội quả tang, cấp cứu người bị thương, bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản nhà nước, tập thể, bảo vệ tính mạng, tài sản của công dân Việt Nam và nước ngoài, ổn định trật tự nơi xảy ra vụ việc, nắm tình hình có liên quan và bàn giao cho các đơn vị nghiệp vụ và công an các cấp giải quyết theo quy định.
- Trực tiếp tuần tra kiểm soát giữ gìn trật tự xã hội ở địa bàn phức tạp và trọng điểm, phát hiện giải quyết, xử lý các hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Cần nói thêm, cảnh sát 113 cũng có thẩm quyền lập biên bản xử phạt hành chính các hành vi vi phạm. Theo đó, lực lượng cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự, cảnh sát 113 thì chỉ có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm như sau:
+ Đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy mà không đặt ngay báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe theo quy định.
+ Bấm còi hoặc gây ồn ào, tiếng động lớn làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh trong đô thị và khu đông dân cư.
+ Dừng xe không sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường, hè phố quá 0,25 m.
+ Quay đầu xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt.
+ Đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều của đường một chiều, trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định.
+ Dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông;
+ Tụ tập từ 3 (ba) xe trở lên ở lòng đường, trên cầu, trong hầm đường bộ.
+ Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông hoặc kiểm soát giao thông.
+ Điều khiển xe trong tình trạng say xỉn.
+ Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy.
+ Điều khiển xe lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ.
+ Người điều khiển xe hoặc người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác vật cồng kềnh.
Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.
Luật gia ĐỒNG XUÂN THUẬN
Thư Viện Pháp Luật