Có phải đổi sang CMND 12 số trước khi làm Căn cước công dân?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Với thắc mắc của bạn, xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Đối với trường hợp đã có chứng minh nhân dân 9 số thì không phải đổi sang chứng minh nhân dân 12 số nữa. Bởi lẽ, từ ngày bắt đầu cấp thẻ Căn cước công dân thì cơ quan Công an cũng sẽ ngừng cấp chứng minh nhân dân 12 số. Bạn có thể dùng chứng minh nhân dân 9 số đến khi hết hạn hoặc đến lực lượng Công an xin giấy xác nhận về việc thay đổi số chứng minh nhân dân sang thẻ Căn cước công dân.
Theo đó, số thẻ Căn cước công dân chính là số định danh cá nhân được cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác.
Thẻ Căn cước công dân không quy định mục họ, tên gọi khác; mục dân tộc được thay bằng quốc tịch, dấu hình Công an hiệu được thay bằng dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ Căn cước công dân.
Thời hạn sử dụng của CMND là 15 năm, đối với thẻ Căn cước công dân sau lần cấp đầu tiên, công dân phải đổi khi đủ 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi và từ 60 tuổi công dân không phải đổi.
Về giá trị sử dụng thẻ Căn cước công dân, thẻ được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau, khi đó thẻ Căn cước công dân sẽ được sử dụng ngôn ngữ khác.
Theo quy định của Luật Căn cước công dân thì công dân có thể sử dụng CMND cho đến hết thời hạn hoặc đổi sang thẻ Căn cước công dân để phục vụ việc giao dịch và hai loại giấy tờ này đều có giá trị pháp lý như nhau.
Để tiện cho việc giao dịch của công dân khi công dân có yêu cầu đổi từ CMND sang thẻ Căn cước công dân thì cơ quan Công an nơi tiếp nhận hồ sơ sẽ tiến hành cắt góc CMND của công dân theo quy định và giao lại cho công dân quản lý.
Các trường hợp CMND bị hỏng, bong tróc, không rõ nét hoặc bị mất thì khi cấp đổi, cấp lại cơ quan Công an nơi tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân sẽ cấp giấy xác nhận số CMND và số thẻ Căn cước công dân là một người để tiện cho việc giao dịch của công dân đối với CMND cũ.
Thủ tục làm thẻ căn cước công dân cần mang gì?
Theo quy định, khi đăng ký làm thẻ, công dân sẽ không phải xuất trình sổ hộ khẩu và xác nhận của công an địa phương. Tuy nhiên hiện nay hệ thống dữ liệu quản lý cư dân quốc gia chưa được hoàn thiện nên từ nay đến năm 2019, các địa điểm cấp thẻ căn cước công dân vẫn áp dụng việc cấp giống như với chứng minh thư. Thời gian cấp thẻ tính từ khi công an nhận đủ hồ sơ là 15 ngày.
Theo Thông tư 170 quy định mức thu, nộp cấp, đổi thẻ căn cước công dân do Bộ Tài chính ban hành, người từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ không phải nộp phí. Nhà nước không thu phí đổi thẻ đối với người đủ 25, đủ 40 và đủ 60 tuổi.
Người dân khi làm thủ tục đổi, cấp lại thẻ sẽ phải trả phí. Cụ thể, phí đổi thẻ là 50.000 đồng, cấp lại là 70.000 đồng.
Người dân thường trú tại các xã, thị trấn miền núi; biên giới; huyện đảo nộp lệ phí bằng 50% mức thu quy định. Trường hợp là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sĩ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thuộc các xã, thị trấn vùng cao theo quy định của Ủy ban Dân tộc; công dân thuộc hộ nghèo không phải nộp lệ phí đổi thẻ căn cước công dân.
Với công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa cũng thuộc trường hợp được miễn phí khi đổi, cấp lại thẻ căn cước.
Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
Thư Viện Pháp Luật