Tung clip ngoại tình lên mạng xã hội bị xử lý thế nào?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Với thắc mắc của bạn, xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Nhiều người đưa những clip, hình ảnh của bạn đời ngoại tình trên mạng với mục đích để kẻ ngoài tình phải xấu hổ bẽ bàng. Nhưng mục đích đạt được đến đâu chưa ai rõ, còn hệ lụy nhãn tiền thì lại là điều có thể dễ dàng nhìn thấy. Những người tung clip lên mạng tùy trường hợp có thể bị xử lý về hình sự.
Đầu tiên, về trách nhiệm dân sự: Theo quy định tại Điều 31 BLDS 2005 quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh như sau: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”.
Như vậy, theo quy định của pháp luật đã khẳng định mỗi cá nhân đều có quyền đối với hình ảnh của mình, do đó, việc một người nào đó đăng clip vợ/chồng ngoại tình lên mạng không có sự đồng ý của người trong clip là hình vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Khoản 3 Điều 31, BLDS 2005. Người có hành vi này phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Khoản 3, Điều 307, BLDS 2005: “ Người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại”.
Việc bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm được thực hiện theo quy định tại Điều 611 Bộ luật dân sự 2005.
Ngoài ra, hành vi tung clip vợ/chồng ngoại tình lên mạng xã hội còn có thể cấu thành tội làm nhục người khác được quy định tại Điều 121 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Điều 121 Bộ luật hình sự quy định như sau: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm: Phạm tội nhiều lần; Đối với nhiều người; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với người thi hành công vụ; Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
Hành vi tung clip vợ chồng ngoại tình lên mạng xã hội đã xúc phạm nghiêm trọng tới nhân phẩm, danh dự của người khác do đó có thể cấu thành “tội làm nhục người khác”. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1, Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự về việc khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại thì: “Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất”.
Như vậy, cơ quan công an chỉ có thể khởi tố khi có đơn yêu cầu của người bị tung clip hoặc người đại diện hợp pháp của họ (đối với đối tượng là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất) thì người tung clip lên mạng có thể bị xử lý về hình sự (nếu người này đã đủ năng lực trách nhiệm hình sự tức là từ đủ 16 tuổi).
Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
Thư Viện Pháp Luật