Dạy học hơn 5 năm có được hưởng trợ cấp một lần khi chuyển khỏi vùng ĐBKK?
Theo thư bạn viết, chúng tôi có thể hiểu là bạn đang quan tâm mình có được hưởng trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hay không. Về vấn đề này chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Theo Điều 8 của Nghị định số: 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, quy định trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc nghỉ hưu như sau:
- Đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này đang công tác và có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 10 năm trở lên, khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc nghỉ hưu thì được hưởng trợ cấp một lần đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Mức trợ cấp một lần được quy định như sau: Mỗi năm công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được trợ cấp bằng 1/2 tiền lương tháng hiện hưởng, bao gồm: mức lương chức vụ, ngạch, bậc hoặc cấp hàm và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu có tại thời điểm chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc nghỉ hưu.
- Thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nếu có tháng lẻ thì được tính như sau: Dưới 3 tháng thì không tính; Từ đủ 3 tháng đến đủ 6 tháng thì được tính bằng 1/2 năm công tác; Từ trên 6 tháng đến 12 tháng thì được tính bằng 1 năm công tác.
Căn cứ vào quy định nêu trên và theo thư bạn viết, bạn công tác ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn được 5 năm 6 tháng (chưa đủ 10 năm công tác) do đó trường hợp của bạn không thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Thư Viện Pháp Luật