Quy định thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên
GD&TĐ - Bộ GD&ĐT ban hành thông tư quy định thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên.
Theo đó, để được bổ nhiệm các chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, người trúng tuyển phải thực hiện thời gian tập sự 6 tháng.
Để được bổ nhiệm các chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học, người trúng tuyển phải thực hiện thời gian tập sự 6 tháng.
Để được bổ nhiệm các chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS, người trúng tuyển phải thực hiện thời gian tập sự 9 tháng.
Để được bổ nhiệm các chức danh giáo nghề nghiệp giáo viên THPT, người trúng tuyển phải thực hiện thời gian tập sự 9 tháng.
Để được bổ nhiệm các chức danh nghề nghiệp giảng viên, người trúng tuyển phải thực hiện thời gian tập sự 12 tháng.
Những trường hợp đặc biệt về thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên: Thời gian nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội, thời gian nghỉ ốm đau từ 3 ngày trở lên, thời gian nghỉ hè, nghỉ Tết, nghỉ không hưởng lương, thời gian bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật của người trúng tuyển không được tính vào thời gian tập sự.
Thời gian tiếp tục tập sự được thực hiện ngay sau khi người trúng tuyển đã hết thời gian nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội; đã hết thời gian nghỉ ốm; hết thời gian bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Người trúng tuyển làm giáo viên, giảng viên đã thực hiện giảng dạy trong các cơ sở giáo dục phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng từ đủ 12 tháng trở lên không phải thực hiện thời gian tập sự.
Người trúng tuyển làm giảng viên có bằng tiến sĩ và đã tham gia giảng dạy trong thời gian làm nghiên cứu sinh thì được người đứng đầu cơ sở giáo dục xem xét rút ngắn thời gian tập sự.
Người đứng đầu các cơ sở giáo dục quyết định thời điểm tiếp tục thực hiện tập sự đối với những trường hợp chưa đảm bảo đủ thời gian tập sự theo quy định nêu trên.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 6/5/2016.
Thư Viện Pháp Luật