Cách xác định hạn mức đất ở tính thuế
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Với thắc mắc của bạn, xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Hạn mức đất ở tính thuế
Khoản 2, Điều 6, Nghị định số 53/2011/NĐ-CP ngày 1/7/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp thì hạn mức đất ở tính thuế quy định như sau:
- Đối với trường hợp tại thời điểm cấp sổ đỏ mà UBND cấp tỉnh đã có quy định về hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận đất ở và diện tích đất ở trong sổ đỏ được xác định theo hạn mức công nhận đất ở thì áp dụng hạn mức công nhận đất ở để làm căn cứ tính thuế. Trường hợp hạn mức công nhận đất ở đó thấp hơn hạn mức giao đất ở hiện hành thì áp dụng hạn mức giao đất ở hiện hành để làm căn cứ tính thuế;
- Đối với trường hợp tại thời điểm cấp sổ đỏ mà UBND cấp tỉnh đã có quy định về hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận đất ở và diện tích đất ở trong sổ đỏ được xác định theo hạn mức giao đất ở thì áp dụng hạn mức giao đất ở để làm căn cứ tính thuế. Trường hợp hạn mức giao đất ở đó thấp hơn hạn mức giao đất ở hiện hành thì áp dụng hạn mức giao đất ở hiện hành để làm căn cứ tính thuế;
- Đối với trường hợp tại thời điểm cấp sổ đỏ mà UBND cấp tỉnh chưa quy định về hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận đất ở thì toàn bộ diện tích đất ở ghi trên sổ đỏ được xác định là diện tích đất ở trong hạn mức;
- Đối với trường hợp chưa được cấp sổ đỏ thì không áp dụng hạn mức. Khi người sử dụng đất đã được cấp sổ đỏ thì hạn mức đất ở làm căn cứ tính thuế áp dụng theo nguyên tắc quy định tại các điểm nêu trên.
Quy định về khai thuế
Trường hợp thửa đất ở diện tích 613m2 của hộ gia đình tại quận Hà Đông được UBND quận Hà Đông cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 25/11/2011 và diện tích đất ở ghi trong Giấy chứng nhận là toàn bộ diện tích thửa đất 613m2 lớn hơn hạn mức công nhận đất ở tại quận Hà Đông (180m2); Như vậy khi tính thuế sử dụng đất phi nông nghiệp với thửa đất ở nêu trên có phải tách diện tích đất ở thành diện tích đất chịu thuế trong và ngoài hạn mức không? Nếu phải tách thì theo quy định nào?
Tại điểm 1.4, khoản 1, Điều 5, Chương II, Thông tư 153/2011/TT-BTC ngày 11/11/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp quy định: Trường hợp có thửa đất ở vượt hạn mức đất ở nơi có quyền sử dụng đất thì người nộp thuế được lựa chọn hạn mức đất ở tại nơi có thửa đất ở vượt hạn mức để xác định số thuế phải nộp. Phần diện tích đất ở ngoài hạn mức được xác định bằng phần diện tích vượt hạn mức của thửa đất ở nơi đã lựa chọn hạn mức cộng với phần diện tích của tất cả các thửa đất ở khác có quyền sử dụng;
Tại Điều 16, Thông tư số 153/2011/TT-BTC quy định về Nguyên tắc khai thuế:
"NNT có trách nhiệm khai chính xác vào Tờ khai thuế các thông tin liên quan đến NNT như: tên, số CMT, mã số thuế, địa chỉ nhận thông báo thuế; Các thông tin liên quan đến thửa đất chịu thuế như diện tích, mục đích sử dụng. Nếu đất đã được cấp Giấy chứng nhận thì phải khai đầy đủ các thông tin trên Giấy chứng nhận như số, ngày cấp, số tờ bản đồ, diện tích đất, hạn mức (nếu có).
Đối với hồ sơ khai thuế đất ở của hộ gia đình, cá nhân, UBND cấp xã xác định các chỉ tiêu tại phần xác định của cơ quan chức năng trên tờ khai và chuyển cho Chi cục Thuế để làm căn cứ tính thuế.
Đối với hồ sơ khai thuế của tổ chức, trường hợp cần làm rõ một số chỉ tiêu liên quan làm căn cứ tính thuế theo đề nghị của cơ quan Thuế, cơ quan Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xác nhận và gửi cơ quan Thuế...".
Đồng thời, mời ông tham khảo thêm tại Thông tư 153/2011/TT-BTC ngày 11/11/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và các nội dung trong quy định của UBND Thành phố Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 22/2014/QĐ-UBND ngày 20/6/2014 về các nội dung thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố được Luật Đất đai 2013 và các Nghị định của Chính phủ giao về hạn mức giao đất; hạn mức công nhận quyền sử dụng đất; kích thước, diện tích đất ở tối thiểu được phép tách thửa cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
Thư Viện Pháp Luật