Xử phạt thế nào đối với học sinh lớp 10 đi xe máy?
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo (Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội) trả lời:
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 60 và Điều 58 Luật giao thông đường bộ năm 2008 thì Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải đủ 18 tuổi trở lên và phải có Giấy phép lái xe theo quy định pháp luật.
Điều 60. Tuổi, sức khỏe của người lái xe
“1. Độ tuổi của người lái xe quy định như sau:
b) Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;”
Điều 58 Luật giao thông đường bộ quy định: "Điều kiện của người lái xe tham gia giao thông
1. Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ quy định tại Điều 60 của Luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái.
2. Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:
a) Đăng ký xe;
b) Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này;
c) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật này;
d) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới."
Như vậy, trường hợp này bạn đã vi phạm hai lỗi gồm: tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi,chưa có giấy phép lái xe và không mang theo đăng kí xe khi điều khiển phương tiện giao thông. Khi đó, trường hợp của bạn sẽ bị xử phạt như sau:
Bạn chỉ cung cấp thông tin rằng bạn đang học lớp 10 nên luật sư đưa ra hai trường hợp như sau:
- Trường hợp thứ nhất: Nếu bạn từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì bạn sẽ bị sử phạt cảnh cáo đối với hành vi của mình theo quy định tại khoản 1 điều 21 Nghị định 171/2013/NĐ-CP, nghị định 107/2014/NĐ- CP sửa đổi nghị định 171/2013/NĐ- CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt:
“Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô”.
- Trường hợp thứ hai: Nếu bạn từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bạn sẽ bị sử phạt với các lỗi như sau:
Thứ nhất, phạt tiền từ 80.000 đến 120.000 đối với hành vi tham gia giao thông không mang theo giấy đăng kí xe theo quy định tại điểm a khoản 2 điều 21 Nghị định 171/2013/NĐ-CP, nghị định 107/2014/NĐ- CP sửa đổi nghị định 171/2013/NĐ- CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt: “Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
b) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không mang theo Giấy đăng ký xe;”
Thứ hai, phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đối với hành vi tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi theo quy định tại điểm a khoản 4 điều 21 Nghị định 171/2013/NĐ-CP, nghị định 107/2014/NĐ- CP sửa đổi nghị định 171/2013/NĐ- CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt: “ Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên;”
Thứ ba, phạt tiền từ 800.000 đến 1.200.000 đối với hành vi tham gia giao thông không có giấy phép lái xe theo quy định tại khoản 5 điều 21 Nghị định 171/2013/NĐ-CP, nghị định 107/2014/NĐ- CP sửa đổi nghị định 171/2013/NĐ- CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt:
“Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 7 Điều này”.
Như vậy, căn cứ vào mức phạt trên và khoản 2 điều 23, khoản 3 điều 134 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì mức phạt đối với trường hợp của bạn sẽ là ½ mức phạt trung bình của các khung hình phạt trên.
Điều 23. Phạt tiền
“4. Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.”
Điều 134. Nguyên tắc xử lý
“3. Trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính bị phạt tiền thì mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên; trường hợp không có tiền nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay;”
Theo quy định tại điểm h khoản 1 điều 75 Nghị định 171/2013/NĐ- CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì bạn sẽ bị tạm giữ xe đến 7 ngày trước khi ra quết định xử phạt đối với hành vi vi phạm của mình
Điều 75. Tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm
“1. Để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được phép tạm giữ phương tiện đến 07 (bảy) ngày trước khi ra quyết định xử phạt đối với những hành vi vi phạm được quy định tại các Điều, Khoản, Điểm sau đây của Nghị định này:
h) Khoản 1; Điểm a, Điểm c Khoản 4; Khoản 5; Khoản 6; Khoản 7 Điều 21.”
Khoản 2 Điều 75 Nghị định 171/2013/NĐ- CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: “ Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt còn có thể quyết định tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm một trong các hành vi quy định tại Nghị định này theo quy định tại Khoản 6, Khoản 8 Điều 125 của Luật xử lý vi phạm hành chính. Khi bị tạm giữ giấy tờ theo quy định tại Khoản 6 Điều 125 của Luật xử lý vi phạm hành chính, nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm chưa đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết vụ việc vi phạm mà vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện hoặc đưa phương tiện ra tham gia giao thông, sẽ bị áp dụng xử phạt như hành vi không có giấy tờ”.
Theo quy định này, biên bản tạm giữ phải được lập thành 2 bản, người có thẩm quyền tạm giữ giữ một bản, người vi phạm giữ 1 bản. Việc cảnh sát giao thông không giao cho bạn biên bản tạm giữ phương tiện là trái với quy định của pháp luật.
Theo Ban Bạn đọc
Vietnamnet
Thư Viện Pháp Luật