Chủ nuôi chó phải chịu trách nhiệm gì khi chó cắn người khác?
Theo quy định tại Điều 625 Bộ Luật Dân sự:
“1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác; nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường.
2. Trong trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
3. Trong trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường;
4. Trong trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội”.
Theo quy định nói trên, chủ sở hữu chó dữ có trách nhiệm xích, nhốt chó cẩn thận và có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do chó dữ gây ra.
Khác với các trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng khác, chủ sở hữu súc vật, người chiếm hữu, sử dụng súc vật, người thứ ba gây thiệt hại không trực tiếp bằng hành vi của mình mà lại thông qua hoạt động của súc vật và họ bị suy đoán là có lỗi trong quản lý hoạt động của chúng. Việc gây thiệt hại của súc vật trong quá trình hoạt động xuất phát từ nhiều từ nhiều yếu tố khác nhau, như:
- Con người dù đã thuần hóa, kiểm soát được hoạt động của súc vật, nhưng súc vật vẫn mang những bản tính tự nhiên của động vật hoang dã, nếu con người thiếu ý thức trong quản lý chúng, chúng có thể gây thiệt hại. Ví dụ: trâu, bò đến thời kỳ động dục thường hay có động thái nhảy cuồng, khi đói chúng thường ăn rau cỏ mà chúng gặp, chó nuôi khi sinh con thường hay dữ tính để bảo vệ con…;
- Sự quản lý của con người đối với súc vật có thể thông qua các phương thức quản lý và các công cụ quản lý khác nhau. Ở Việt Nam, hình thức chăn nuôi mang tính chất quảng canh (chăn nuôi trong phạm vi gia đình, thả rông…) còn phổ biến. Do vậy, chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu súc vật nhiều khi có sự lơi lỏng hoặc rất khó quản lý hoạt động của súc vật dẫn tới súc vật gây thiệt hại cho chủ thể khác.
- Dưới tác động của môi trường, điều kiện sống, bệnh dịch mà động vật có những động thái gây thiệt hại trái với bản tính tự nhiên của nó như trâu bò mắc bệnh điên, chó dại…
Xuất phát từ việc gây thiệt hại của gia súc do tác động bới các yếu tố khác nhau và đa dạng mà việc xác định lỗi trong trường hợp này là rất khó và có thể không bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại. Do vậy, việc suy đoán lỗi đối với chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật khi súc vật gây thiệt hại là cần thiết, qua đó nâng cao trách nhiệm quản lý của chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật. Về nguyên tắc, khi súc vật gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản cho các chủ thể dân sự thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật bị suy đoán có lỗi trong quản lý và phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Việc suy đoán lỗi sẽ không áp dụng trong trường hợp, gia súc gây thiệt hại do lỗi hoàn toàn thuộc về người chiếm hữu, sử dụng súc vật trái pháp luật, người thứ ba hoặc của chính người bị thiệt hại.
Về thiệt hại được bồi thường:
Theo quy định tại Điều 609 Bộ luật Dân sự, bạn có thể yêu cầu gia đình hàng xóm bồi thường các thiệt hại sau:
- Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, bao gồm:
+ Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút.
+ Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
+ Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc bạn.
- Tổn thất về tinh thần: Mức bồi thường tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Trường hợp hai gia đình không tự thỏa thuận được với nhau về mức bồi thường thì theo quy định tại khoản 6 Điều 25, khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự, bạn có thể khởi kiện gia đình hàng xóm đến tòa án cấp huyện nơi cư trú để được giải quyết.
Về pháp luật hình sự: Chủ sở hữu chó dữ gây chết người có thể bị truy tố về “Tội vô ý làm chết người” theo Điều 98, Bộ luật Hình sự năm 1999, với mức phạt từ 6 tháng đến 5 năm tù. Nếu có lỗi vô ý để gia súc làm chết nhiều người, thì còn có thể bị phạt tù đến 10 năm.
Như vậy quy định của pháp luật đã rõ ràng, dù vật nuôi là hung thủ thì chủ nhà vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật tùy vào mức độ của sự việc.
Để việc nuôi chó được an toàn, không gây thiệt hại cho người khác, ngoài việc người chủ vật nuôi phải tự giác chấp hành các quy định của pháp luật thì mọi người đều có quyền yêu cầu người chủ vật nuôi chấm dứt vi phạm.
Luật gia ĐỒNG XUÂN THUẬN
Thư Viện Pháp Luật