Cơ quan nào được thu giữ thư tín, bưu phẩm?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Với thắc mắc của bạn, xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Theo quy định tại Điều 144 Bộ luật tố tụng hình sự, thì việc thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại bưu điện được quy định như sau:
Khi cần thiết phải thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại bưu điện thì Cơ quan điều tra ra lệnh thu giữ. Lệnh này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành, trừ trường hợp không thể trì hoãn nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản và sau khi thu giữ phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp biết.
Người thi hành lệnh phải thông báo cho người phụ trách cơ quan bưu điện hữu quan trước khi tiến hành thu giữ. Người phụ trách cơ quan bưu điện hữu quan phải giúp đỡ người thi hành lệnh thu giữ hoàn thành nhiệm vụ.
Khi thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, phải có đại diện của cơ quan bưu điện chứng kiến và ký xác nhận vào biên bản.
Cơ quan ra lệnh thu giữ phải thông báo cho người có thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ biết. Nếu thông báo cản trở việc điều tra thì sau khi cản trở đó không còn nữa, cơ quan ra lệnh thu giữ phải thông báo ngay.
Như vậy, việc thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại bưu điện sẽ do Cơ quan điều tra ra lệnh thu giữ, được Viện Kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành, trừ trường hợp không thể trì hoãn.
Khi thu giữ phải có đại diện cơ quan bưu điện chứng kiến và ký xác nhận vào biên bản. Cơ quan đã thu giữ này phải thông báo cho người có thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ biết trước hoặc sau khi tiến hành điều tra.
Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
Thư Viện Pháp Luật