Có được đặt tiền bảo lãnh để không bị công an giữ xe không?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Với thắc mắc của bạn, xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Theo quy định tại Điều 14, Điều 15 Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 3/10/2014 quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính thì tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được giữ, bảo quản phương tiện đối với trường hợp phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Mức tiền đặt bảo lãnh
Theo Điều 15 Nghị định 115/2003/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân đặt tiền bảo lãnh cho người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện. Mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất phải bằng mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt quy định cho hành vi vi phạm. Tiền đặt bảo lãnh được trả lại cho tổ chức, cá nhân đặt bảo lãnh sau khi tổ chức, cá nhân vi phạm đã chấp hành xong quyết định xử phạt.
Việc đặt tiền bảo lãnh và trả lại số tiền đó phải được lập biên bản. Biên bản được lập thành hai bản, một bản giao cho tổ chức, cá nhân đặt tiền bảo lãnh.
Sau khi đáp ứng các quy định trên, chủ phương tiện sẽ được bàn giao phương tiện để tự tạm giữ. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn chấp hành quyết định xử phạt mà tổ chức, cá nhân không chấp hành quyết định xử phạt thì số tiền đặt bảo lãnh được chuyển thành số tiền xử phạt; trường hợp số tiền đặt bảo lãnh lớn hơn số tiền xử phạt thì phần còn lại của số tiền đặt bảo lãnh sau khi trừ số tiền xử phạt được trả lại cho tổ chức, cá nhân đặt bảo lãnh.
Thủ tục đặt tiền bảo lãnh và quản lý xe được bảo lãnh
Việc đặt tiền bảo lãnh không phải đặt trực tiếp cho các chiến sĩ CSGT tại nơi xảy ra vi phạm mà người vi phạm phải đến trụ sở để nộp cho người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ phương tiện, xử phạt. Để được tự bảo quản phương tiện trong quá trình xử lý, cá nhân vi phạm phải xuất trình sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú hoặc có giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị về nơi công tác; nếu tổ chức vi phạm phải có địa chỉ hoạt động cụ thể, rõ ràng được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận; có nơi giữ, bảo quản phương tiện.
Ngoài ra, trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm phải nhờ người thân, bạn bè, hoặc cơ quan đứng ra bảo lãnh thì người bảo lãnh khi làm thủ tục cũng phải xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị công tác.
Theo quy định, phương tiện vi phạm trong thời gian tự giữ, bảo quản không được phép lưu hành. Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện sẽ bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt.
Khi giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phải lập biên bản. Cơ quan có thẩm quyền tạm giữ phải thông báo cho UBND xã, phường, thị trấn nơi đang có phương tiện do tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản để phối hợp giám sát, quản lý. UBND xã, phường, thị trấn nơi đang có phương tiện tự tạm giữ chính là đơn vị giám sát, quản lý.
Tổ chức, cá nhân trong thời gian được giao giữ, bảo quản phương tiện được thay đổi nơi giữ, bảo quản nếu có sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền tạm giữ.
Trong thời gian được giao giữ, bảo quản phương tiện, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành đúng quy định về nơi giữ, bảo quản, tự ý thay đổi nơi giữ, bảo quản phương tiện, sử dụng phương tiện vi phạm được giao giữ, bảo quản trái quy định của pháp luật thì sẽ chuyển phương tiện vi phạm đó về nơi tạm giữ theo quy định.
Trường hợp để xảy ra mất, bán, đánh tráo, trao đổi, cầm cố hoặc có hành vi định đoạt khác đối với phương tiện thì phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Các trường hợp không được đặt tiền bảo lãnh
Theo Nghị định 115, những trường hợp không được phép đặt tiền bảo lãnh bao gồm:
- Phương tiện giao thông của vụ vi phạm là vật chứng của vụ án hình sự.
- Phương tiện giao thông đang được đăng ký giao dịch bảo đảm.
- Phương tiện giao thông được sử dụng để đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng hoặc gây tai nạn giao thông.
- Giấy đăng ký phương tiện bị làm giả, sửa chữa.
- Biển kiểm soát giả, phương tiện bị thay đổi trái phép số khung, số máy hoặc bị xóa số khung, số máy.
Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
Thư Viện Pháp Luật