Người cao tuổi được tăng mức trợ cấp khi nào?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Với thắc mắc của bạn, xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Theo Khoản 5, Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội thì người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng.
- Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại Điểm a Khoản này mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng.
- Người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội nhưng có người nhận chăm sóc tại cộng đồng.
Các mức trợ cấp xã hội hàng tháng
Theo quy định tại Nghị định số 06/2011/NĐ-CP, Nghị định số 136/2013/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 136/2013/NĐ-CP thì mức chuẩn áp dụng từ ngày 1/1/2015 như sau:
- Đối với trường hợp người cao tuổi nghèo thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng thì áp dụng mức chuẩn theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP là 270.000 đồng.
- Đối với trường hợp người cao tuổi không nghèo mà thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng thì áp dụng mức chuẩn theo quy định trước khi ban hành Nghị định 136/2013/NĐ-CP là 180.000 đồng.
- Đối với những tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quy định mức chuẩn cao hơn các mức trên thì áp dụng theo mức chuẩn quy định của địa phương.
Hồ sơ yêu cầu hưởng trợ cấp
- Tờ khai của đối tượng theo mẫu do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
- Bản sao sổ hộ khẩu của đối tượng hoặc văn bản xác nhận của công an xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là công an cấp xã).
- Sơ yếu lý lịch của người nhận chăm sóc người cao tuổi có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) và đơn của người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng theo mẫu do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
Thư Viện Pháp Luật