Cho vay tiền tính lãi bao nhiêu là phù hợp pháp luật?

Hiện tôi đang là một công chức và có cho một người hàng xóm vay tiền, có tính lãi suất và giấy vay nợ với số tiền là 20 triệu đồng với thời hạn 3 tháng. Tôi có yêu cầu người đó thế chấp tài sản để đảm bảo cho khoản vay, nhưng người đó nói là không có tài sản nên đã đưa cho tôi một giấy ủy quyền của bố mẹ anh ta cho tôi, nhưng giờ tôi mới phát hiện ra đó là giấy ủy quyền quyền sử dụng đất của ngôi nhà mà gia đình anh ấy đang ở cho ngân hàng. Tuy nhiên, việc vay nợ này đã chấm dứt. Hôm qua tôi mới gọi điện để đòi tiền anh ta, anh ta có vẻ khó chịu. Như vậy, nếu tôi khởi kiện ra Tóa án thì bố mẹ anh ấy có phải chịu trác nhiệm gì không? Và về phía tôi, việc tôi cho vay lãi có bị ảnh hưởng gì đến công việc của tôi không?

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Với thắc mắc của bạn, xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:

Theo quy định tại Điều 471, Bộ luật Dân sự 2005 thì hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định. Như vậy, khi bạn tiến hành việc khởi kiện ra Tòa án, đây sẽ là một bằng chứng vững chắc cho bạn.

Về phía giấy ủy quyền mà người kia cung cấp cho bạn thì theo quy định tại Điều 581, Bộ luật Dân sự 2005 thì hợp đồng ủy quyền là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, còn bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định. Mà theo như bạn nói, nội dung của của giấy ủy quyền đó là việc bố mẹ của anh ta ủy quyền quyền sử dụng đất cho ngân hàng, mà không phải cho anh ta. Vì vậy, trong trường hợp này, bố mẹ của anh ta sẽ không phải chịu bất cứ một trách nhiệm hay nghĩa vụ nào, bởi lẽ, giấy vay nợ giữa bạn và anh ta ghi tên của người đó, còn giấy ủy quyền mà anh ta đưa cho bạn lại không hề có tên của người đó.

Còn về vấn đề bạn đang lo ngại là liệu rằng công chức có được cho vay lãi hay không, thì theo quy định của Điều 471, Bộ luật Dân sự 2005 ghi nhận rằng các hợp đồng cho vay có thể tính lãi suất do các bên thỏa thuận, tức là hoạt động cho vay tài sản có tính lãi suất là quyền dân sự của mỗi công dân Việt Nam.

Về lãi suất cho vay theo quy định tại Điều 476 Bộ luật dân sự 2005 thì: “Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”.

Từ quy định này có thể thấy việc cho vay giữa cá nhân với cá nhân - nếu áp dụng mức lãi suất nhỏ hơn hoặc bằng 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước quy định tại thời điểm cho vay - thì không bị coi là trái pháp luật.

Ví dụ: Tại thời điểm cho vay, lãi suất cơ bản của Ngân hàng nhà nước là 6,7%/năm tương đương với khoảng 0,56%/tháng đối với khoản vay ngắn hạn dưới 12 tháng. Với khoản vay 20 triệu, bạn có thể tính mức lãi suất là 0,56%/ tháng x 3 tháng hoặc cao hơn mức 0,56%/ tháng nhưng không được vượt quá 150% mức lãi suất 0,56%/ tháng. Nếu áp dụng mức lãi suất cao hơn mức lãi suất này là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo đó, trong trường hợp bạn cho vay có lãi suất mà cao hơn 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng thì bạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, bạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền với mức phạt từ 5.000.000 đồng đên 15.000.000 đồng với hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay (Điểm d, Khoản 3, Điều 11, Nghị định 167/2013/NĐ-CP). Trong trường hợp bạn cho vay với lãi suất gấp 10  lần mức lãi suất mà pháp luật quy định thì bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 163, Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung 2009.

Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.

Luật gia Đồng Xuân Thuận

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào