Hiệu trưởng không cho nghỉ phép, đúng hay sai?
Theo Điều 9, Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ, trong thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang khi nghỉ hàng năm, nghỉ ngày lễ, tết, nghỉ việc riêng được hưởng lương theo quy định của pháp luật về lao động, được thanh toán tiền tàu xe đi và về thăm gia đình.
Mặt khác theo quy định tại khoản 3, Điều 5 bản Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạọ, thì thời gian nghỉ hè của giáo viên thay cho nghỉ phép hằng năm là 2 tháng được hưởng nguyên lương và các khoản phụ cấp (nếu có).
Ngoài ra, thời gian nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ Luật lao động.
Căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, Hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên một cách hợp lý theo đúng quy định.
Với các quy định nêu trên, về mặt nguyên tắc thì bạn có quyền được nghỉ phép để về thăm gia đình, cha mẹ, vợ hoặc chồng, con hoặc thăm quê quán, hiệu trưởng trường phải giải quyết nghỉ phép và cấp giấy nghỉ cho giáo viên.
Tuy nhiên có thể do yêu cầu công việc hoặc vấn đề về nhân sự mà hiệu trưởng chưa bố trí được thời gian cho bạn nghỉ phép trong thời gian này.
Do đó bạn cần hỏi rõ hiệu trưởng lý do vì sao không cấp giấy nghỉ phép cho bạn, từ đó có hướng giải quyết sao cho thỏa đáng.
Sỹ Điền
Thư Viện Pháp Luật