Công ty đòi nợ thuê có được làm thay cơ quan thi hành án?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Với thắc mắc của bạn, xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 79 Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011: “Đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải chứng minh sự phản đối đó là có căn cứ và phải đưa ra chứng cứ để chứng minh. Bên cạnh đó, khoản 4 Điều này cũng quy định: “Đương sự không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì phải chịu hậu quả của việc không chứng minh được hoặc chứng minh không đầy đủ đó”.
Vụ việc anh bị một người kiện ra tòa đòi trả tiền là một tranh chấp dân sự, do đó nghĩa vụ chứng minh thuộc về đương sự (người khởi kiện và người bị kiện). Tòa án chỉ căn cứ theo các chứng cứ hợp pháp có trong hồ sơ vụ án để xem xét và làm cơ sở để đưa ra phán quyết. Ở đây, anh không đưa ra được chứng cứ để phản đối yêu cầu của người khởi kiện, do đó theo các chứng cứ mà người khởi kiện cung cấp có trong hồ sơ vụ án thì việc anh bị thua kiện là điều khó tránh khỏi.
Trong trường hợp sau này anh mới tìm được chứng cứ chứng minh mình không nhận số tiền theo hợp đồng đã ký, bản hợp đồng đó là giả tạo thì anh có thể làm đơn yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cáo hoặc Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét lại vụ án theo thủ tục tái thẩm. Nếu không chứng minh được thì khi bản án dân sự đã có hiệu lực pháp luật, anh có nghĩa vụ phải chấp hành bản án đó.
Đối với việc thi hành án, theo quy định tại Điều 45 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, "thời hạn tự nguyện thi hành án là 15 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án”. Hết thời hạn 15 ngày nêu trên, nếu người phải thi hành án có điều kiện thi hành mà không thi hành thì căn cứ Điều 46 Luật thi hành án dân sự, Cơ quan thi hành án sẽ tiến hành cưỡng chế thi hành án.
Việc bên được thi hành án thuê công ty đòi nợ thuê đến yêu cầu trả nợ là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật. Khi tranh chấp được giải quyết tại Tòa án bằng một bản án có hiệu lực pháp luật, việc thi hành án đang do cơ quan thi hành án thụ lý, giải quyết thì bên chủ nợ không được nhờ bên thứ 3 can thiệp. Nếu công ty đòi nợ thuê đến yêu cầu trả nợ và gây rắc rối cho gia đình anh thì anh có thể báo với công an và chính quyền địa phương về vấn đề này; đồng thời yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
Thư Viện Pháp Luật