6 trường hợp cấp ý kiến pháp lý
GD&TĐ - Theo Nghị định về cấp ý kiến pháp lý vừa được Chính phủ ban hành, Bộ Tư pháp xem xét cấp ý kiến pháp lý đối với các văn bản mà Nhà nước, Chính phủ hoặc cơ quan Nhà nước là một bên trong 6 trường hợp.
6 trường hợp gồm:
1- Điều ước quốc tế về vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vay ưu đãi; văn bản liên quan khác mà Nhà nước, Chính phủ hoặc cơ quan Nhà nước là một bên (nếu có).
2- Thỏa thuận vay nhân danh Nhà nước, Chính phủ hoặc Bộ Tài chính.
3- Văn bản bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh hoặc văn bản phát hành trái phiếu quốc tế được Chính phủ bảo lãnh.
4- Thỏa thuận phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ.
5- Dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) (bao gồm hợp đồng dự án, văn bản bảo lãnh Chính phủ (nếu có), hợp đồng thuê đất và các văn bản khác có liên quan đến dự án mà Nhà nước, Chính phủ hoặc cơ quan nhà nước là một bên).
6- Các trường hợp đặc biệt khác theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
3 điều kiện cấp ý kiến pháp lý
Nghị định nêu rõ, Bộ Tư pháp cấp ý kiến pháp lý khi đáp ứng đầy đủ 3 điều kiện:
1- Văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý thuộc đối tượng cấp ý kiến pháp lý theo quy định nêu trên.
2- Có hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý đầy đủ theo đúng quy định và đã được làm rõ, chỉnh lý theo yêu cầu của Bộ Tư pháp.
3- Việc đàm phán, ký, phê duyệt hoặc phê chuẩn các văn bản được xem xét cấp ý kiến pháp lý đã được thực hiện đúng thẩm quyền, đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Bộ Tư pháp từ chối cấp ý kiến pháp lý đối với trường hợp hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý không đáp ứng điều kiện cấp và hồ sơ cấp theo quy định; hồ sơ yêu cầu cấp ý kiến pháp lý không được bổ sung, chỉnh lý, làm rõ theo quy định.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2015.
Thư Viện Pháp Luật