Có thể thế chấp “nhà chưa xây” để vay tiền được không?

Vợ chồng tôi đang mua một nhà trong dự án đầu tư nhà ở nhưng chưa xây dựng mặc dù đã trả tiền. Giờ vợ chồng tôi muốn vay một số tiền để kinh doanh làm ăn. Vậy, cho tôi hỏi, vợ chồng tôi muốn thế chấp “nhà chưa xây” đó tại Ngân hàng để vay tiền được không?

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Vấn đề này chuyên gia tư vấn luật TRẦN THỊ HẬU - CÔNG TY LUẬT HỢP DANH FDVN đưa ra ý kiến như sau:

Vì ngôi nhà vợ chồng anh chị mua đang trong quá trình xây dựng, chưa được nghiệm thu để đưa vào sử dụng nên là nhà ở hình thành trong tương lai theo Khoản 19 Điều 3 Luật Nhà ở 2014. Khoản 1 Điều 342 Bộ luật Dân sự 2005 quy định, tài sản thế chấp cũng có thể là tài sản được hình thành trong tương lai. Cụ thể trong trường hợp này, Khoản 2 Điều 147 Luật Nhà ở 2014 quy định: Tổ chức, cá nhân mua nhà ở hình thành trong tương lai trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở của chủ đầu tư được thế chấp nhà ở này tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn phục vụ cho xây dựng nhà ở hoặc để mua chính nhà ở đó. Như vậy, vợ chồng anh/chị có thể thế chấp nhà ở này tại Ngân hàng chỉ với mục đích để mua chính nhà ở đó.

Về điều kiện thế chấp: Luật Nhà ở 2014 tại Điều 148, cụ thể tại Khoản 3 Điều 7, Khoản 2 Điều 9 Thông tư 26/2015/TT-NHNN, ngày 09/12/2015 Hướng dẫn trình tự, thủ tục thế chấp và giải chấp tài sản là dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ở hình thành trong tương lai (có hiệu lực bắt đầu từ ngày 10/12/2015) quy định: tổ chức, cá nhân được thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai mua của chủ đầu tư trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

Có hợp đồng mua bán nhà ở ký kết với chủ đầu tư (nộp bản gốc);

Có văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở nếu là bên nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở (nộp bản gốc);

Có giấy tờ chứng minh đã đóng tiền mua nhà ở cho chủ đầu tư theo tiến độ thỏa thuận trong hợp đồng mua bán nhà ở (nộp bản gốc);

Không thuộc diện đang ở khiếu nại, khiếu kiện, tranh chấp về hợp đồng mua bán nhà ở hoặc về việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở này;

Không bị kê biên để thi hành án hoặc không bị kê biên để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

Không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy, căn cứ trên những quy định pháp luật chúng tôi đã viện dẫn cũng với thực tế nhu cầu của mình, vợ chồng anh chị xem xét và lựa chọn ứng xử phù hợp với quy định pháp luật.

Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.

HUY HUY

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào