Tự ý đập điện thoại người khác bị xử lý như thế nào?

Anh Nguyễn Văn Tùng (27 tuổi) đứng chụp ảnh trước nhà một người dân thì bị người này ra đập điện thoại mà không có bất kỳ lời giải thích nào. Vậy trong trường hợp này, công dân có quyền hình ảnh như thế nào, người đập điện thoại có bị xử lý hay không?

Trả lời vấn đề trên, Luật sư Trần Sỹ Hoàng - Văn phòng Luật sư Ánh Sáng Công Lý cho biết, mọi cá nhân đều có quyền hình ảnh của mình.

Điều 31. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh

1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

2. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác.

3. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Luật sư Hoàng cho biết thêm, tại điều 31 Bộ luật tố tụng Dân sự 2005 cũng quy định quyền của cá nhân đối với hình ảnh như sau: Chỉ những địa điểm mà chính phủ quy định là cấm quay phim, chụp hình thì không được quay, chụp như khu vực quân sự, công an... Những nơi cấm thì phải để biển cấm để người dân được biết.

Trong trường hợp trên, việc đập máy ảnh của người khác có dấu hiệu của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo điều 143 Bộ luật Hình sự.

Điều 143, luật hình sự năm 1999 quy định về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản như sau: Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến ba năm...

THANH SEN

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào