Pháp luật quy định như thế nào về thụ tinh trong ống nghiệm?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Vấn đề này chuyên gia tư vấn luật CHÂU VIỆT VƯƠNG - CÔNG TY LUẬT HỢP DANH FDVN đưa ra ý kiến như sau:
Thụ tinh trong ống nghiệm là sự kết hợp giữa noãn và tinh trùng trong ống nghiệm để tạo thành phôi (Khoản 2 Điều 2 Nghị định 10/2015/NĐ-CP, ngày 28/01/2015 Quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo). Các cặp vợ chồng vô sinh và phụ nữ độc thân có quyền sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Người được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm phải đạt tiêu chuẩn sức khỏe quy định tại Điều 3 Thông tư 57/2015/TT-BYT, ngày 30/12/2015 Quy định chi tiết một số điều của Nghị định 10/2015/NĐ-CP, cụ thể: Không đang mắc bệnh lý mà không đủ sức khỏe để thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệp, mang thai, sinh con; Không đang mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm HIV, bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A,B; Không bị bệnh di truyển có ảnh hưởng đến tính mạng và sự phát triển của trẻ khi sinh ra; Không bị mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.
Việc đáp ứng các tiêu chuẩn này được thể hiện bởi việc phải có kết luận bằng văn bản của người đứng đầu cơ sở được phép thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (cơ sở được phép thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6 Thông tư 57/2015/TT-BYT) xác định đủ sức khỏe để thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.
Căn cứ vào tình hình của vợ chồng anh/chị, bác sĩ chuyên khoa, người trực tiếp thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm sẽ đưa ra quy trình thụ tinh trong ống nghiệm phù hợp dựa trên kiến thức y khoa và quy định tại Thông tư 57/2015/TT-BYT.
Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.
HUY LÂM
Thư Viện Pháp Luật