Quy định về hồ sơ, thủ tục cải tên trong văn bằng tốt nghiệp THPT
Ngày 20/6/2012 Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 22/2012/TT-BGDĐT: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân ban hành kèm theo Quyết định số 33/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20/6/2007 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Theo đó, về nội dung chính của quyết định chỉnh sửa và áp dụng việc chỉnh sửa văn bằng, chứng chỉ được hướng dẫn tại Điều 21c Thông tư trên như sau:
Quyết định chỉnh sửa văn bằng, chứng chỉ gồm các nội dung: Họ, chữ đệm, tên; ngày tháng năm sinh của người có văn bằng, chứng chỉ được chỉnh sửa; tên, số, ngày tháng năm cấp của văn bằng, chứng chỉ được chỉnh sửa; Nội dung chỉnh sửa; Lý do chỉnh sửa; Hiệu lực và trách nhiệm thi hành quyết định.
Việc chỉnh sửa nội dung ghi trên văn bằng, chứng chỉ quy định tại Điều này được áp dụng cả đối với những văn bằng, chứng chỉ được cấp trước ngày văn bản này có hiệu lực thi hành.”
Hồ sơ, trình tự, thủ tục chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ được hướng dẫn tại Điều 21b của Thông tư số 22/2012/TT-BGDĐT. Cụ thể như sau:
* Hồ sơ đề nghị chỉnh sửa văn bằng, chứng chỉ bao gồm:
- Đơn đề nghị chỉnh sửa văn bằng, chứng chỉ;
- Chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân khác của người được cấp văn bằng, chứng chỉ;
- Văn bằng, chứng chỉ đề nghị chỉnh sửa;
- Quyết định cho phép thay đổi hoặc cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính đối với trường hợp chỉnh sửa văn bằng, chứng chỉ do thay đổi hoặc cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính;
- Giấy khai sinh đối với trường hợp chỉnh sửa văn bằng, chứng chỉ do bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch, đăng ký lại việc sinh, đăng ký khai sinh quá hạn;
- Các tài liệu chứng minh văn bằng, chứng chỉ bị ghi sai do lỗi của cơ quan cấp văn bằng, chứng chỉ đối với trường hợp chỉnh sửa văn bằng, chứng chỉ quy định tại khoản 2 Điều 21a của Quy chế này;
Các tài liệu trong hồ sơ đề nghị chỉnh sửa văn bằng, chứng chỉ quy định tại các điểm b, c, d, đ và e khoản này có thể là bản chính hoặc bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính.
Nếu cơ quan có thẩm quyền chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ tiếp nhận tài liệu trong hồ sơ là bản sao không có chứng thực thì có quyền yêu cầu người đề nghị chỉnh sửa văn bằng, chứng chỉ xuất trình bản chính để đối chiếu; người đối chiếu phải ký xác nhận và ghi rõ họ tên vào bản sao và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính.
Nếu tiếp nhận tài liệu trong hồ sơ là bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính thì cơ quan có thẩm quyền chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ không được yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu.
* Về trình tự, thủ tục chỉnh sửa văn bằng, chứng chỉ được quy định như sau:
- Người đề nghị chỉnh sửa văn bằng, chứng chỉ nộp 1 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này cho cơ quan có thẩm quyền chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ. Việc nộp hồ sơ có thể thực hiện bằng cách nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện;
- Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ xem xét quyết định việc chỉnh sửa; nếu không chỉnh sửa thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
- Việc chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ được thực hiện bằng cách ban hành quyết định chỉnh sửa; không chỉnh sửa trực tiếp trên văn bằng, chứng chỉ;
Căn cứ quyết định chỉnh sửa, cơ quan có thẩm quyền chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ tiến hành chỉnh sửa các nội dung tương ứng ghi trong sổ gốc cấp văn bằng, chứng chỉ và đóng dấu xác nhận với nội dung:
“Đã được chỉnh sửa theo Quyết định số….. ngày….tháng….năm…..” vào góc trái phía trên của bản chính văn bằng, chứng chỉ; nếu người học đã bị mất bản chính văn bằng, chứng chỉ thì cơ quan có thẩm quyền chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc đã được chỉnh sửa cho người học.
Thư Viện Pháp Luật