Không đòi được lương của doanh nghiệp phải làm gì?

Công ty kinh doanh thua lỗ, sau khi bị Ngân hàng kê biên các tài sản của Công ty để phát mãi thì Công nhân mới biết, đến thời điểm này thì Công ty không còn tài sản để trả lương cho Công nhân, vậy Công nhân cần phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Vấn đề này chuyên gia tư vấn luật CHÂU VIỆT VƯƠNG - CÔNG TY LUẬT HỢP DANH FDVN đưa ra ý kiến như sau:

Theo như thông tin của bạn cung cấp thì Công ty nơi bạn làm việc chưa bị phá sản, nếu như Công ty nợ lương, bạn có thể yêu cầu Công ty thanh toán đầy đủ tiền lương đúng hạn cho mình theo nguyên tắc tại Điều 96 Bộ luật lao động năm 2012:

- Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.

- Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.

Trường hợp Công ty không thanh toán đầy đủ tiền lương đúng hạn cho mình, bạn còn có quyền làm đơn gửi ra phòng Lao động Thương binh Xã hội nơi Công ty có trụ sở để yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết vì căn cứ theo Điều 201 Bộ luật Lao động năm 2012 có quy định về trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động

- Tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

+ Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

+ Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

+ Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

+ Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

+ Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Nếu vẫn không giải quyết được bạn có quyền nộp hồ sơ khởi kiện ra Tòa án Nhân Dân quận huyện nơi Công ty có trụ sở.

Về Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân: Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm. Thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

Ngoài ra bạn cũng có thể làm đơn tố cáo hành vi của người sử dụng lao động công ty bạn gửi ra Thanh tra Sở Lao động thương binh và xã hội để yêu cầu xử lý.

Việc công ty không trả lương đúng hạn và nợ lương là đã vi phạm quy định của pháp luật. Hành vi này sẽ bị xử phạt theo Khoản 3 Điều 13 Nghị định 95/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 3 Điều 13 Nghị định88/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như sau:

- Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc ban đêm, tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; trả lương không đúng quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động, trong thời gian tạm đình chỉ công việc, trong thời gian đình công, những ngày người lao động chưa nghỉ hàng năm theo một trong các mức sau đây:

+ Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

+ Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

+ Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

+ Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

+ Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Buộc trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm nhue đã viện dẫn nêu trên.

Vì vậy trong trường hợp trên người lao động có thể khiếu nại trực tiếp đến người sử dụng lao động hoặc tố cáo lên Thanh tra Sở lao động để được giải quyết. Bên cạnh đó người lao động cũng có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp quận huyện nơi Công ty đặt trụ sở để đòi quyền lợi theo thủ tục tố tụng dân sự.

Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.

HUY LÂM

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Doanh nghiệp

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào