Chế độ chính sách đối với dân quân tự vệ
GD&TĐ - Chính sách đối với dân quân tự vệ được quy định rõ tại Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật dân quân tự vệ.
Phụ cấp trách nhiệm đối với cán bộ, chỉ huy
Theo Nghị định, mức phụ cấp trách nhiệm quản lý, chỉ huy đơn vị dân quân tự vệ được tính và chi trả theo tháng, bằng mức lương cơ sở nhân với hệ số quy định cụ thể: Tiểu đội trưởng, Khẩu đội trưởng: 0,10; Trung đội trưởng, Thôn đội trưởng: 0,12; Đại đội phó, Chính trị viên phó đại đội, Hải đội phó, Chính trị viên phó hải đội: 0,15; Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội, Hải đội trưởng, Chính trị viên hải đội, Trung đội trưởng dân quân cơ động: 0,20; Tiểu đoàn phó, Chính trị viên phó tiểu đoàn, Hải đoàn phó, Chính trị viên phó hải đoàn: 0,21; Tiểu đoàn trưởng, Chính trị viên tiểu đoàn, Hải đoàn trưởng, Chính trị viên hải đoàn, Chỉ huy phó, chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Chỉ huy phó, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở: 0,22; Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Chỉ huy phó, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành Trung ương: 0,24; Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành Trung ương: 0,25.
Thời gian được hưởng phụ cấp trách nhiệm tính từ ngày có quyết định bổ nhiệm và thực hiện cho đến khi có quyết định thôi giữ chức vụ đó; trường hợp giữ chức vụ từ 15 ngày trở lên trong tháng thì được hưởng phụ cấp cả tháng, giữ chức vụ dưới 15 ngày trong tháng thì được hưởng 50% phụ cấp trách nhiệm của tháng đó.
Chính sách đối với dân quân tự vệ bảo vệ chủ quyền biển, đảo
Nghị định cũng quy định chế độ phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiền ăn, công tác phí, trợ cấp của Chỉ huy phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã; phụ cấp của Thôn đội trưởng; hỗ trợ phương tiện, chi phí đi lại cho dân quân tự vệ; chế độ phụ cấp thâm niên; chế độ phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự; chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ làm nhiệm vụ tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo...
Về chế độ phụ cấp thâm niên, Nghị định quy định cán bộ Ban chỉ huy quân sự cấp xã có thời gian công tác liên tục từ đủ 60 tháng trở lên được hưởng phụ cấp thâm niên. Mức phụ cấp như sau: Sau 5 năm (đủ 60 tháng) công tác liên tục thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hoặc phụ cấp hằng tháng hiện hưởng; từ năm thứ 6 trở đi mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.
Cán bộ Ban chỉ huy quân sự cấp xã nếu có thời gian công tác liên tục ở các ngành được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề nghiệp thì được cộng nối thời gian đó với thời gian làm cán bộ Ban chỉ huy quân sự cấp xã để tính hưởng phụ cấp thâm niên.
Nghị định nêu rõ, dân quân tự vệ trong thời gian làm nhiệm vụ tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quyết định điều động của cấp có thẩm quyền được hưởng các chế độ, chính sách.
Cụ thể, đối với dân quân được trợ cấp ngày công lao động, mức trợ cấp bằng hệ số 0,25 mức lương cơ sở; được hưởng tiêu chuẩn tiền ăn mỗi người mỗi ngày bằng 0,1 mức lương cơ sở. Đối với thuyền trưởng, máy trưởng được trợ cấp thêm một khoản phụ cấp trách nhiệm mỗi người mỗi ngày bằng 0,08 mức lương cơ sở.
Đối với tự vệ được trả nguyên lương, các khoản phụ cấp hiện hưởng, phúc lợi theo chế độ hiện hành và được hưởng thêm 50% lương ngạch bậc tính theo ngày thực tế huy động; được hưởng tiêu chuẩn tiền ăn mỗi người mỗi ngày bằng 0,1 mức lương cơ sở; nếu mức thực tế thấp hơn quy định trên thì được áp dụng chính sách như đối với dân quân.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định cán bộ chiến sĩ dân quân tự vệ nếu bị chết, hy sinh, bị thương trong khi làm nhiệm vụ được xem xét, xác nhận là liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
Nguồn: Văn phòng Chính phủ
Thư Viện Pháp Luật