Giảng viên có trình độ tiến sỹ được kéo dài thời gian làm việc

Hiện tôi đang giảng dạy tại một trường đại học công lập và đã có bằng tiễn sỹ. Năm 2016 tôi sẽ đến tuổi nghỉ hưu. Nếu tôi muốn được kéo dài thêm thời gian công tác có được không? Nếu được thì tôi sẽ được hưởng quyền lợi gì? – (nguyentoi***@gmail.com).

* Trả lời:

Ngày 24/10/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số: 141/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học. 

Theo đó, Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục đại học về đối tượng áp dụng điều lệ trường đại học, trường cao đẳng; đại học vùng; chương trình giáo dục đại học và hình thức đào tạo; tài sản, chính sách đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận; chính sách đối với giảng viên. 

Nghị định này áp dụng đối với các trường cao đẳng, trường đại học, học viện, đại học vùng, đại học quốc gia; viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ; các cơ sở giáo dục khác thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục đại học.

Tại Điều 9 Nghị định này quy định: Giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và giảng viên có trình độ tiến sĩ đang công tác tại cơ sở giáo dục đại học được kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học nếu có các điều kiện sau đây: 

Có đủ sức khỏe, tự nguyện kéo dài thời gian làm việc. Cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu và chấp thuận.

Thời gian kéo dài làm việc đối với giảng viên có trình độ tiến sĩ là không quá 5 năm; đối với giảng viên có chức danh phó giáo sư là không quá 7 năm và đối với giảng viên có chức danh giáo sư là không quá 10 năm.

Trong thời gian kéo dài làm việc, người được kéo dài làm việc nêu trên có quyền đề nghị nghỉ làm việc để hưởng chế độ nghỉ hưu theo quy định.

Về thủ tục, trình tự xem xét kéo dài thời gian làm việc được quy định tại Khoản 3 Điều này như sau:

Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học quản lý giảng viên có trách nhiệm xác định nhu cầu, đánh giá tài năng, sức khỏe của giảng viên sẽ kéo dài thêm thời gian công tác và trao đổi với giảng viên. Giảng viên thuộc đối tượng nêu tại Khoản 1 Điều này có ý kiến bằng văn bản gửi đơn vị quản lý trực tiếp và Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học để xem xét.

Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học ra quyết định kéo dài thời gian làm việc theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan cấp trên có thẩm quyền ra quyết định kéo dài thời gian làm việc của giảng viên.

Việc xem xét kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên đến độ tuổi nghỉ hưu cần được thông báo cho giảng viên biết trước khi đến thời điểm nghỉ hưu 3 tháng. Hồ sơ của giảng viên kéo dài thêm thời gian làm việc và văn bản đề nghị của cơ quan, đơn vị gửi đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định phải được hoàn tất chậm nhất 02 tháng trước khi đến thời điểm nghỉ hưu.

Còn tại Khoản 4 Điều này quy định về chính sách đối với giảng viên trong thời gian làm việc kéo dài: Được xác định là giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học; Được hưởng lương và các chính sách, chế độ khác theo quy định đối với giảng viên.

Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên và theo thư bạn viết, nếu bạn có đủ sức khỏe, tự nguyện kéo dài thời gian làm việc. Cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu và chấp thuận thì bạn sẽ được kéo dài thời gian làm việc. 

Thời gian kéo dài làm việc bạn sẽ không quá 5 năm và được các chế độ chính sách theo quy định tại Khoản 4 Điều 9 Nghị định số: 141/2013/NĐ-CP.

Sỹ Điền

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Giảng viên

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào