Điều kiện được hưởng chế độ thai sản

Bà Nguyễn Thị Huê đóng BHXH được 10 năm 6 tháng, sau đó gián đoạn do nghỉ việc, tháng 4/2014 bà tiếp tục đóng BHXH. Ngày 14/8/2014 bà Huê nhập viện, trên Giấy ra viện có ghi: “Chẩn đoán vào viện: Thai 29 tuần phù thai rau. Bệnh nhân thiếu máu nhược sắc HC nhỏ/ĐCTN. Chuẩn đoán ra viện: Sau đẻ thường, thai 29 tuấn bất thường xin phá. Phương pháp điều trị: Gây chuyển dạ + Đẻ thường + Kiểm soát tử cung + Cắt khâu tầng sinh môn + Kháng sinh. Tình trạng sức khỏe mẹ ổn định ra viện, con tử vong. Lời dặn của thầy thuốc: Nghỉ công tác theo chế độ, thuốc theo đơn. Có gì bất thường đến khám lại”. Bà Huê đã đóng BHXH được 4 tháng trong vòng 12 tháng trước khi gây chuyển dạ, sinh con. Vậy, trường hợp của bà Huê là sinh con hay chấm dứt thai kỳ và được thực hiện chế độ thai sản theo quy định đối với người sinh con hay quy định đối với sảy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu?

Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời bà Huê như sau:

Theo quy định của Luật BHXH thì điều kiện được hưởng chế độ thai sản đối với trường hợp lao động nữ sinh con (kể cả sau khi sinh con mà con bị chết) là phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Về chuyên môn y học, theo nội dung trả lời của Bộ Y tế thì quy định những trường hợp đình chỉ thai nghén trước 22 tuần tuổi của thai kỳ được xác định là phá thai; từ đủ 22 tuần tuổi đến trước tuần thứ 37 của thai kỳ được xác định là đẻ non.

Với quy định nêu trên và nội dung ghi trong Giấy ra viện do bà Nguyễn Thị Huê cung cấp, bệnh viện đã thực hiện phương pháp gây chuyển dạ để đẻ thường với thai 29 tuần tuổi và sau khi đẻ con chết, thì đây thuộc trường hợp lao động nữ sinh con và bà Nguyễn Thị Huệ đóng BHXH chưa đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con, nên không đủ điều kiện để tính hưởng chế độ BHXH thai sản theo quy định.

Theo Cổng thông tin Điện tử Chính phủ

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Chế độ thai sản

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào