Mua bảo hiểm y tế hộ gia đình thế nào?

Mua bảo hiểm y tế hộ gia đình thế nào?
Từ ngày 1/1/2015, người dân muốn mua bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện riêng lẻ sẽ không được giải quyết. Muốn mua BHYT tự nguyện, cả hộ gia đình cùng phải tham gia.
Xung quanh quy định mới này, bà Lưu Thị Thanh Huyền - phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM - cho biết:

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực từ ngày 1-1-2015 khuyến khích, vận động người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình với những chính sách ưu đãi hơn so với quy định cũ. Khi mua BHYT theo hộ gia đình, mức đóng được giảm dần từ thành viên thứ hai trở đi.

Cụ thể, người trong hộ gia đình thứ nhất khi mua BHYT sẽ đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở. Người thứ hai, thứ ba, thứ tư lần lượt có mức đóng là 70%, 60% và 50% mức đóng của người thứ nhất.

Kể từ người thứ năm trong hộ gia đình trở đi mức đóng chỉ còn bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Thực tế hiện nay mức đóng phí BHYT chỉ bằng 4,5% mức lương cơ sở là 621.000 đồng.

* Quy định này áp dụng cho tất cả thành viên, dù hộ gia đình đó có người đang là viên chức, học sinh, trẻ em dưới 6 tuổi hay sao, thưa bà?

- Theo quy định, hộ gia đình tham gia BHYT bao gồm tất cả thành viên có tên trên sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú chưa tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng khác.

Ví dụ, một hộ gia đình có 10 người trong hộ khẩu (kể cả người có tên tạm trú dài hạn cũng được tính), nhưng trong đó có năm người thuộc đối tượng khác như hưu trí, công nhân viên đang đi làm, học sinh - sinh viên, trẻ em dưới 6 tuổi, người trên 80 tuổi thì không được tính vào danh sách tham gia BHYT theo hộ gia đình, do những đối tượng này đã được ngân sách nhà nước, quỹ bảo hiểm xã hội hoặc chủ doanh nghiệp đóng BHYT một phần hoặc toàn phần rồi.

Chỉ năm người còn lại không thuộc đối tượng nào mới được tính vào số người trong hộ gia đình để được hưởng ưu đãi khi mua BHYT.

* Để thẻ BHYT có giá trị liên tục, người dân đã mua BHYT cho cả hộ gia đình (trước đó chỉ mua BHYT cho người có bệnh) trước ngày 1-1-2015 nhưng vẫn phải đóng tiền theo quy định cũ. Như vậy người dân phải chịu thiệt thòi?

- Người dân mua BHYT theo hộ gia đình trước ngày 1-1-2015 vẫn phải đóng theo quy định cũ vì đây là giai đoạn chuyển tiếp nên chưa có hướng dẫn. Dù đóng theo mức cũ, nhưng người dân vẫn được ưu đãi nếu tham gia cả hộ gia đình (người thứ hai đóng bằng 90% mức đóng của người thứ nhất, người thứ ba, tư, năm đóng lần lượt là 80%, 70%, 60% mức đóng của người thứ nhất). Đây là giai đoạn chuyển tiếp nên cũng có những điểm chưa thỏa hết yêu cầu của người tham gia BHYT.

Tuy nhiên về mặt quyền lợi, người dân sẽ được hưởng mức quyền lợi theo Luật BHYT sửa đổi, bổ sung từ ngày 1-1-2015, đặc biệt là quyền lợi gia tăng khi tham gia BHYT liên tục năm năm trở lên (được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh đúng quy định khi tham gia BHYT liên tục năm năm trở lên và có số tiền đồng chi trả trong năm quá sáu tháng lương cơ sở).

* Người dân muốn mua BHYT theo hộ gia đình phải làm thế nào, đến đâu? Làm sao biết một hộ gia đình có bao nhiêu người được tính là thành viên hộ gia đình để hưởng ưu đãi khi mua BHYT?

- Theo quy định của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung thì “BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng” nên hiện nay không còn BHYT tự nguyện nữa mà mọi người dân có trách nhiệm tham gia BHYT vì lợi ích của chính mình và cộng đồng.

Vì thế người dân chỉ cần đến UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú dài hạn) đăng ký và đóng tiền mua BHYT.

Chỉ có UBND phường, xã, thị trấn - nơi quản lý hộ tịch, hộ khẩu của người dân trên địa bàn, phường, xã - mới biết chính xác từng hộ gia đình có bao nhiêu người, thuộc đối tượng BHYT nào và có trách nhiệm lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT trên địa bàn phường, xã gửi về bảo hiểm xã hội quận huyện để cấp thẻ BHYT cho người dân.

* Thời gian qua, người dân luôn thắc mắc về thời gian mua BHYT cũng như nên đóng tiền khi nào để thời hạn sử dụng thẻ được liên tục?

- Tốt nhất, nếu mới tham gia lần đầu người dân nên đăng ký mua BHYT tại UBND phường, xã, thị trấn từ ngày 25 đến ngày cuối cùng của mỗi tháng. Ví dụ, ngày 25-1-2015 đóng tiền mua BHYT, thẻ BHYT sẽ có giá trị sử dụng từ ngày 1-3-2015.

Trường hợp gia hạn thẻ BHYT, từ ngày 15 đến ngày 20 của tháng cuối cùng thẻ BHYT còn hạn sử dụng, người dân phải đi đóng tiền mua BHYT. Khi đó, thẻ có giá trị sử dụng từ ngay đầu tháng kế tiếp. Ví dụ, thẻ BHYT đang dùng có giá trị đến ngày 31-12-2014, nếu ngày 18-12-2014 đăng ký tiếp tục gia hạn thì thẻ BHYT được cấp có giá trị sử dụng từ ngày 1-1-2015.

Kiểm tra việc thực hiện Luật bảo hiểm y tế sửa đổi

Ngày 1-1, Sở Y tế TP.HCM cho biết từ hôm nay (2-1) Sở Y tế TP sẽ bắt đầu kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật BHYT sửa đổi, bổ sung tại 15 bệnh viện thuộc sở. Việc giám sát nhằm kiểm tra các bệnh viện triển khai chính sách BHYT mới thế nào, đồng thời ghi nhận ý kiến của người bệnh xung quanh việc thực hiện chính sách BHYT mới này.

Cùng ngày, Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho biết đơn vị này đã phân công giám định viên BHYT thường trực tại các bệnh viện để giải quyết kịp thời những vướng mắc cho các bệnh viện khi thực hiện Luật BHYT sửa đổi, bổ sung cũng như giải đáp thắc mắc của người dân khi đi khám, chữa bệnh.

Bảo hiểm xã hội TP và Sở Y tế cũng công bố bảy số điện thoại nóng để giải đáp thắc mắc cho các cơ sở y tế khi thực hiện Luật BHYT sửa đổi, bổ sung.

Riêng người bệnh khi có thắc mắc về quyền lợi BHYT có thể gọi đến đường dây nóng của bệnh viện nơi đến khám, chữa bệnh và số điện thoại đường dây nóng của Sở Y tế TP được dán công khai tại các bệnh viện.

L.TH.H.

Theo tuoitre

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Bảo hiểm y tế

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào