Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường
* Trả lời:
Theo Điều 4 của Quy định về dạy thêm, học thêm (Ban hành kèm theo Thông tư số: 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) quy định các trường hợp không được dạy thêm như sau:
Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.
Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:
Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;
Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.
Căn cứ vào quy định nêu trên, và theo thư bạn viết, con bạn đang là học sinh tiểu học, nếu như con bạn không phải đi học bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống thì con bạn sẽ không phải đi học thêm.
Về tiền học thêm trong nhà trường được quy định tại Khoản 1 Điều 7 của Quy định trên như sau:
Thu tiền học thêm để chi trả thù lao cho giáo viên trực tiếp dạy thêm, công tác quản lý dạy thêm, học thêm của nhà trường; chi tiền điện, nước và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm;
Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường; Nhà trường tổ chức thu, chi và công khai thanh, quyết toán tiền học thêm thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường; giáo viên dạy thêm không trực tiếp thu, chi tiền học thêm.
Như vậy mức thu tiền học thêm là do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường.
Nếu bạn thấy khoản thu này chưa hợp lý và không đồng ý với thu 1.000.000đ/học sinh/học kỳ thì bạn có thể kiến nghị với Ban đại diện cha mẹ học sinh và Ban giám hiệu nhà trường để được điều chỉnh hợp lý và đảm bảo quyền lợi chính đáng cho con em mình.
Sỹ Điền
Thư Viện Pháp Luật