Chế độ đối với trường hợp sinh con khi đã nghỉ việc
Bà Hoàng Thị Kim Dung, Phó Trưởng ban Ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam trả lời bà Mai như sau:
Điều 36 Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 quy định về chấm dứt HĐLĐ, trong đó có quy định chấm dứt HĐLĐ đối với trường hợp hết hạn HĐLĐ (không có quy định loại trừ trường hợp mang thai, nghỉ thai sản…); còn tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 39 của Bộ luật này có quy định một số trường hợp (nếu hợp đồng còn thời hạn) thì người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi và người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH.
Với quy định này, trường hợp của bà Mai, đang mang thai và đã nghỉ thai sản trước ngày sinh con, nhưng đến ngày 15/9/2014 hết hạn HĐLĐ, đơn vị sử dụng lao động thực hiện chấm dứt HĐLĐ (không ký tiếp HĐLĐ mới) với bà là đúng quy định.
Về chế độ BHXH, pháp luật về BHXH hiện nay quy định lao động nữ sinh con nếu có đóng BHXH đủ 6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh con thì được hưởng chế độ thai sản (thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng, thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng) và thời gian nghỉ việc (trong thời hạn HĐLĐ còn hiệu lực) thì người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH, nhưng được tính là thời gian có đóng BHXH.
Đối chiếu với quy định nêu trên, trường hợp của bà Mai, tính đến khi nghỉ hưởng chế độ thai sản (ngày 5/8/2014) đã đóng BHXH được 22 tháng, ngày 15/9/2014 hết hạn HĐLĐ và dự tính tháng 10/2014 sinh con thì thời gian từ ngày 6/8/2014 đến ngày 15/9/2014 được tính là thời gian có đóng BHXH (thời gian này người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH) và đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con theo quy định.
Về giải quyết hưởng chế độ, theo quy định thì trường hợp người lao động đang làm việc sinh con, người sử dụng lao động có trách nhiệm giải quyết; trường hợp nghỉ việc trước khi sinh con thì người lao động nộp hồ sơ trực tiếp cho BHXH cấp huyện nơi cư trú gồm: Sổ BHXH (đã được xác nhận thời gian đóng BHXH); Giấy chứng sinh (bản sao) hoặc Giấy khai sinh (bản sao) của con; Đơn của lao động nữ sinh con theo mẫu để được giải quyết. Thời gian tính hưởng trợ cấp trong trường hợp này kể từ ngày sinh con.
Tuy nhiên, trường hợp của bà Mai do đã có thời gian nghỉ thai sản khi còn đang làm việc nhưng lại sinh con sau khi đã nghỉ việc. Nội dung này mới phát sinh trong thực tế, hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm giải quyết cũng như thời điểm tính hưởng. Để thuận tiện lợi cho người lao động, đề nghị bà chuyển hồ sơ như nêu trên đến BHXH cấp huyện nơi cư trú, cơ quan BHXH sẽ có trách nhiệm xem xét, giải quyết hoặc hướng dẫn để thực hiện.
Thư Viện Pháp Luật