Tách hộ khẩu với gia đình chồng như thế nào?
Trả lời:
Theo bạn trình bày, vấn đề bạn hỏi gồm hai nội dung:
Thứ nhất, vợ chồng bạn ra ở riêng, sống ở một căn hộ tách biệt không sống cùng mẹ chồng và em trai chồng, nên trước hết gia đình chồng bạn phải thay đổi người đứng tên chủ hộ.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 29 Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013): “Trường hợp có thay đổi chủ hộ thì hộ gia đình phải làm thủ tục thay đổi chủ hộ. Người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu; phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; ý kiến của chủ hộ hoặc người khác trong gia đình về việc thay đổi chủ hộ”.
Thứ hai, sau khi tiến hành điều chỉnh thay đổi về chủ hộ, vợ chồng bạn hoàn toàn có thể xin tách sổ hộ khẩu, điều kiện, thủ tục được quy định tại Điều 27 Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) cụ thể:
“Điều 27. Tách sổ hộ khẩu
1. Trường hợp có cùng một chỗ ở hợp pháp được tách sổ hộ khẩu bao gồm:
a) Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu;
b) Người đã nhập vào sổ hộ khẩu quy định tại Khoản 3, Điều 25 và Khoản 2, Điều 26 của Luật này mà được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản.
2. Khi tách sổ hộ khẩu, người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu; phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; ý kiến đồng ý bằng văn bản của chủ hộ nếu thuộc trường hợp quy định tại Điểm b, Khoản 1 Điều này.
3. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải trả kết quả giải quyết việc tách sổ hộ khẩu; trường hợp không giải quyết việc tách sổ hộ khẩu thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do”.
Như vậy, đối chiếu theo quy định trên đây, vợ chồng bạn có đầy đủ năng lực hành vi dân sự thì hoàn toàn đủ điều kiện để được tách sổ hộ khẩu. Khi tách sổ hộ khẩu, người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu; phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, thủ tục được giải quyết trong thời hạn bảy ngày làm việc.
Luật gia Bùi Minh Hằng
TheoGiadinhNet
Thư Viện Pháp Luật