Xây nhà gây lún, nứt nhà hàng xóm phải bồi thường như thế nào?
Trường hợp của bạn xin tư vấn như sau:
Căn cứ theo Điều 627 Bộ Luật dân sự 2005 (BLDS) về bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra thì “Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại, nếu để nhà cửa, công trình xây dựng khác đó bị sụp đổ, hư hỏng, sụt lở gây thiệt hại cho người khác, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng”.
Tại Điều 15 Nghị định 180/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị có quy định về việc xử lý công trình xây dựng ảnh hưởng đến chất lượng công trình lân cận như sau:
“1. Trường hợp công trình xây dựng gây lún, nứt, thấm, dột hoặc có nguy cơ làm sụp đổ các công trình lân cận thì phải ngừng thi công xây dựng để thực hiện bồi thường thiệt hại:
a) Việc bồi thường thiệt hại do chủ đầu tư và bên bị thiệt hại tự thỏa thuận; Trường hợp các bên không thoả thuận được thì bên thiệt hại có quyền khởi kiện đòi bồi thường tại toà án.
b) Công trình chỉ được phép tiếp tục thi công xây dựng khi các bên đạt được thỏa thuận việc bồi thường thiệt hại.
2. Trường hợp chủ đầu tư, nhà thầu thi công không thực hiện các quy định tại khoản 1, khoản 2 điều này phải bị đình chỉ thi công xây dựng, đồng thời, áp dụng biện pháp quy định tại điểm b, khoản 1, điều 12 Nghị định này cho đến khi chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng hoàn thành việc khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại.”
Căn cứ vào các quy định nêu trên, nếu nhà kề bên (dù là nhà bên phải hay nhà bạn) trong quá trình thi công, xây dựng công trình xây dựng gây ảnh hưởng, thiệt hại đến các nhà xung quanh thì nhà kề bên đó phải ngừng việc thi công và có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với sự cố do công trình của mình gây ra.
Về mức độ bồi thường thiệt hại: mức độ bồi thường thiệt hại do các bên thỏa thuận, căn cứ theo quy định của pháp luật và thiệt hại thực tế xảy ra, cụ thể gồm: mức thiệt hại thực tế đối với công trình lân cận bị hư hỏng và các chi phí khác có liên quan.
Các bên có thể tự xác định mức thiệt hại của công trình liền kề nếu không tự xác định được mức độ thiệt hại thì một trong hai bên có thể thuê cơ quan định giá để xác định mức thiệt hại cụ thể để làm căn cứ bồi thường. Công trình chỉ được phép tiếp tục thi công xây dựng khi các bên đạt được thỏa thuận việc bồi thường thiệt hại.
Trong trường hợp này bạn có thể làm Đơn gởi đến Tòa án nhân dân quận huyện để yêu cầu bồi thường. Ðiều 607 BLDS quy định:
“ Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm.”
Mục 6, Phần I, Nghị quyết số03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có quy định như sau:
"Về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại. Việc xác định thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại được thực hiện như sau:
a) Đối với những trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh kể từ ngày 01-01-2005 (ngày Bộ luật tố tụng dân sự có hiệu lực), thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm.
b) Đối với những trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh trước ngày 01-01-2005, thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là hai năm, kể từ ngày 01-01-2005.".
Luật Gia: ĐỒNG XUÂN THUẬN
VietBao.vn (Theo_Đời Sống Pháp Luật)
Thư Viện Pháp Luật