Bị thu bằng lái, nộp phạt tại kho bạc, lấy lại bằng ở đâu?
Xin được tư vấn cho bạn như sau:
Nếu số tiền phạt dưới 250.000 đồng:
Đối với Quyết định xử phạt “tại chỗ” Theo Điều 56 Luật xử lý vi phạm hành chính: “Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản
1. Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.
Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.”
Như vậy, đối với vi phạm có mức phạt từ 250.000 đồng trở xuống (đối với từng hành vi) thì phải ra "Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thủ tục không lập biên bản", quy định này tạo điều kiện cho người vi phạm có thể giải quyết sớm nhất vi phạm của mình, không buộc phải đợi trong vòng 7 ngày mới đi lấy quyết định xử phạt, nộp tiền kho bạc…. Sau khi ra “Quyết định xử phạt theo thủ tục không lập biên bản”, bạn sẽ nộp phạt ngay tại chỗ cho người ra quyết định xử phạt và người xử phạt có trách nhiệm giao cho bạn biên lai in sẵn mệnh giá.
Sẽ có nhiều mệnh giá (có màu khác nhau) để “ghép” cho đúng số tiền bị phạt ghi trong quyết định xử phạt. Các bạn nhớ lấy biên lai, giữ 1 bản Quyết định xử phạt nhé, như vậy mới chắc là ta đã “đóng góp’ vào ngân sách nhà nước.
Theo quy định tại Điều 69, Luật xử lý vi phạm hành chính, "Thi hành quyết định xử phạt không lập biên bản" thì người vi phạm nộp tiền tại chỗ cho người có thẩm quyền xử phạt. Trường hợp người vi phạm không có khả năng nộp phạt tại chỗ thì mới ra kho bạc.
Trường hợp không có tiền nộp tại chỗ
Theo quy định tại khoản 6 Điều 125, Luật xử lý vi phạm hành chính: "Tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính
Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không có giấy tờ nói trên, thì người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 10 Điều này."
Như vậy, bạn sẽ bị tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: GPLX; Đăng ký xe;…. Bạn để lại giấy tờ, cầm tờ quyết định ra kho bạc để nộp phạt. Khi bạn nộp phạt xong, nhân viêc kho bạc sẽ giao cho bạn một tờ biên lai. Lúc này, bạn mang biên lai này về trình cho người phạt rồi lấy lại giấy tờ. Hoặc không tiện thì để hôm khác ra kho bạc nộp rồi cầm biên lai đến cơ quan của người xử phạt (Phòng CSGT, Đội CSGT .... được ghi trong quyết định xử phạt) để xuất trình, lấy lại giấy tờ.
Khi đến nộp phạt tại kho bạc hoặc các ngân hàng được kho bạc ủy quyền thu phạt thì bên thu tiền sẽ giữ bản Quyết định xử phạt và giao cho bạn biên lai.
* Nếu bạn không biết rõ đơn vị của người xử phạt thì bạn cần yêu cầu họ ghi ra mặt sau giấy quyết định xử phạt, đề phòng trường hợp đi nộp phạt xong quay lại thì các chiến sỹ giao thông đã hết ca thì mình phải đến đấy để lấy giấy tờ sau.
Hãy coi việc bị tạm giữ GPLX là điều bình thường, khi bạn cầm quyết định xử phạt trên tay rồi thì cái quyết định đó tạm thời có thể thay thế GPLX để tiếp tục tham gia giao thông (trừ trường hợp vẫn trong thời gian bị tước GPLX ghi trong quyết định), khi nào tiện thì đi nộp phạt rồi lấy GPLX sau (quá 10 ngày kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thì mới tính lãi chậm nộp phạt = 0,05% x (mức tiền phạt) x (số ngày)).
Nếu số tiền phạt trên 250.000 đồng
Lập biên bản
Khi lập biên bản xong, bạn cần đọc lại biên bản, nếu đúng thì mới ký. Trong Biên bản có mục “Ý kiến của người (hoặc đại diện tổ chức) vi phạm”. Nếu có bất kỳ ý kiến gì thì bạn yêu cầu trình bày ngắn gọn vào đây rồi mới ký. Đa phần cán bộ sẽ bắt ghi là “đúng lỗi” nhưng đây là phần ý kiến người vi phạm chứ không phải “ý kiến của người lập biên bản”.
Mục “ý kiến” này rất quan trọng, nhiều khi tranh luận không ngã ngũ có bạn không chịu ký biên bản, điều này lại vô tình làm hại bạn. Không ký biên bản rồi bị giữ giấy tờ, phương tiện mà không có bằng chứng bị giữ, sau đến giải quyết bạn lại mất công đi làm tường trình,…Nên nếu thấy không đúng thì bạn đòi ghi ý kiến vào mục kia rồi mới ký, điều này hoàn toàn đúng pháp luật.
Với trường hợp bị “bắn tốc độ”, theo quy định là phải có hình ảnh. Trường hợp họ không cho xem ngay mà hẹn khi nào nhận quyết định xử phạt sẽ có hình ảnh thì bạn cũng cần ghi thêm vào mục “ý kiến” rằng yêu cầu cho xem hình ảnh trước khi ra quyết định xử phạt.
Việc tạm giữ giấy tờ cũng tương tự như trên, theo quy định thì chỉ giữ một trong các loại giấy tờ.
Lưu ý: Biên bản chỉ có tác dụng thay thế GPLX (đã bị tạm giữ) trong thời hạn hẹn đến xử lý ghi trong biên bản (trừ trường hợp lỗi ghi trong biên bản có hình thức xử phạt tước GPLX). Quá ngày hẹn mà bạn bị bắt vì vi phạm giao thông nữa thì dù có trình biên bản này ra thì vẫn bị xử lý thêm lỗi “Không có GPLX”.
* Tạm giữ phương tiện:
Nếu không có GPLX hoặc không có đăng ký xe hay là bạn vi phạm các lỗi nặng (chủ yếu do lỗi về nồng độ cồn, ma túy, đua xe, lạng lách) thì mới bị tạm giữ. Việc tạm giữ phương tiện phải tuân theo quy định của Điều 125, Luật xử lý Vi phạm hành chính và phải có quyết định (Biên bản) tạm giữ phương tiện.
Khi không có GPLX hoặc đăng ký xe hoặc bị những lỗi vi phạm có hình thức xử phạt bổ sung là "tạm giữ phương tiện 7 ngày" thì bạn sẽ bị lập biên bản tạm giữ phương tiện. Thời hạn tạm giữ phương tiện được tính từ ngày phương tiện bị tạm giữ thực tế (ngày vi phạm, bị lập biên bản, tạm giữ xe) cho nên nếu ngại đi lại thì bạn có thể đợi đúng 7 ngày (hết hạn giữ xe) rồi lên giải quyết, nộp phạt và lấy xe về luôn.
Bạn có thể sử dụng điện thoại để ghi lại hình ảnh phương tiện của mình thời điểm bị tạm giữ để có cơ sở khiếu nại nếu trong quá trình giữ xe bị hư hỏng, mất mát.
*Tước Giấy phép lái xe:
Với những vi phạm có hình thức xử phạt bổ sung là "tước GPLX" thì thời hạn tước GPLX được tính từ ngày Quyết định xử phạt có hiệu lực. Nếu QĐ xử phạt có hình thức "tước GPLX" mà vẫn đang trong thời hạn tước thì QĐ đó không thể thay thế được GPLX (dù đã nộp phạt hay chưa).
Quyết định xử phạt
Theo quy định, trong vòng 07 ngày kể từ ngày lập biên bản thì người có thẩm quyền xử phạt sẽ phải ra quyết định xử phạt (vì thế cho nên trong biên bản thường hẹn tối đa 7 ngày người vi phạm đến “điểm hẹn” để xử lý). Nếu vì một lý do nào đó bạn không thể đến đúng hẹn được thì có thể đến sau (muộn cả tháng vẫn được), tuy nhiên khi quá thời gian hẹn, biên bản không có tác dụng thay thế GPLX nữa.
Hiện nay, theo Thông tư 45/2014/TT-BCA, ngày 15 tháng 10 năm 2014 của Bộ Công an thì dù chưa đến ngày hẹn giải quyết, bạn có thể đến nơi xử lý đề nghị thi hành quyết định xử phạt luôn, nếu đã rõ ràng, không cần xác minh thêm thì nơi ra quyết định có thể xử lý luôn.
Trong trường hợp không thể trực tiếp đến giải quyết thì bạn có thể đưa giấy tờ cho người khác đến thay nhưng phải làm giấy ủy quyền. Khi làm giấy ủy quyền phải có dấu xác nhận của chính quyền địa phương nơi bạn cư trú. Trong giấy ủy quyền cần ghi rõ số CMND của bạn và người được ủy quyền. Mang theo những giấy tờ cần thiết khác, CSGT sẽ tiến hành giải quyết làm các thủ tục xử lý vi phạm trả lại giấy tờ xe cho người được ủy quyền theo quy định.
Khi đến nơi, người xử lý (không hẳn là người lập biên bản) sẽ làm việc với bạn dựa trên biên bản (có chữ ký của cả bạn lẫn người lập biên bản), và các tình tiết bạn cung cấp thêm. Theo quy định thì bạn sẽ được giao 02 bản Quyết định này để bạn giữ 1 bản và nơi thu tiền phạt giữ 1 bản.
Lưu ý: Khi công an muốn phạt ai, phạt bao nhiêu tiền… đều phải dựa trên quyết định xử phạt, có đóng dấu, ký (kể cả phạt tại chỗ). Trong quyết định xử phạt sẽ ghi các lỗi mình bị phạt; mức tiền phạt cho từng lỗi… các bạn chỉ phải nộp đúng số tiền ghi trong quyết thôi.
Luật Gia Đồng Xuân Thuận
VietBao.vn (Theo_Đời Sống Pháp Luật)
Thư Viện Pháp Luật