Phụ cấp lâu năm cho người công tác không liên tục ở vùng ĐBKK

GD&TĐ - Năm 1994 tôi được phân công công tác tại trường thuộc vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn. Đến tháng 10/2004 tôi được chuyển đến vùng thuận lợi. Tuy nhiên đến 1/1/2005 tôi lại được điều động đến trường nằm trong vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn. Tôi cũng đã được hưởng phụ cấp thu hút theo Nghị định số 61/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Vậy xin được hỏi chuyên mục: Trường hợp của tôi có được cộng dồn số năm công tác ở vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn để tính thâm niên theo NĐ 116 hay không? Phạm Minh Phương ([email protected])

* Trả lời:

Theo thư bạn viết, chúng tôi hiểu là bạn đang quan tâm đến chế độ phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Về vấn đề này chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Tại Điều 5 Nghị định số: 116/2010/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định:

Đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này được hưởng phụ cấp hàng tháng tính theo thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nếu có thời gian đứt quãng thì được cộng dồn như sau:

1. Mức 0,5 so với mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 5 năm đến dưới 10 năm;

2. Mức 0,7 so với mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 10 năm đến dưới 15 năm;

3. Mức 1,0 so với mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 15 năm trở lên.

Như vậy theo hướng dẫn trên và theo thư bạn viết, bạn sẽ được cộng dồn số năm công tác ở vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn để tính hưởng phụ cấp công tác lâu năm ở vùng này theo Nghị định số 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

Sỹ Điền

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào