Không chấm dứt hợp đồng lao động với phụ nữ đang mang thai

GD&TĐ - Tôi được tuyển dụng làm giáo viên dạy thể dục tại trường công lập. Tôi có ý định sinh con nhưng Hiệu trưởng trường tôi nói, trong thời gian tập sự không được sinh con. Nếu vi phạm sẽ không được hưởng các chế độ thai sản và các chế độ chính sách hiện hành khác. Xin hỏi trường hợp của tôi nếu sinh con thì có được hưởng các chế độ thai sản không và có bị chấm dứt hợp đồng lao động không? – Nguyễn Lan Anh ([email protected]).

* Trả lời: Tại điểm c, khoản 3, Điều 29 Luật Viên chức quy định: Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập không được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức trong trường hợp viên chức nữ đang trong thời gian có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 36 tháng tuổi, trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hoạt động.

Theo quy định trên thì trường hợp của chị sẽ không bị chấm dứt hợp đồng lao động khi chị mang thai.

Về các chế độ chính sách liên quan đến thai sản. Bạn không nói rõ bạn thuộc diện hợp đồng gì, hợp đồng thời vụ với nhà trường hay với cơ quan có thẩm quyền.

Do đó trước hết, bạn cần xem kỹ lại các điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Nếu trong hợp đồng lao động ghi rõ bạn được hưởng các chế độ chính sách của người lao động và các chế độ chính sách do Nhà nước quy định và có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì bạn hoàn toàn đủ điều kiện để được hưởng các chế độ chính sách thai sản.

Cụ thể theo Điều 157 Bộ Luật Lao động quy định về chế độ nghỉ thai sản như sau:

1. Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 06 tháng.

Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.

2. Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

3. Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương theo thoả thuận với người sử dụng lao động.

4. Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động và được người sử dụn g lao động đồng ý, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng.

Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Sỹ Điền

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Hợp đồng lao động

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào